Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

2551. BNS HBCS SỐ 06.

BNS HBCS SỐ 06.
MỤC LỤC BNS HBCS 06.
(RA NGÀY  15. 02. 2018 (30. 12. ĐINH DẬU).
1/- Hình thể & Tổ chức ĐĐTKPĐ. Trang 01.
2/- Lễ Khánh Thành Thánh Thất Kim Biên: Linh Tâm. Tr 08.
3/- Ngụ đời tt.   Tr 13
4/- Đối chiếu & phân tích Đạo Cao Đài 1926 và Chi phái 1997. Tr 15.
5/- Tội ác Mậu thân: trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân qua tài liệu lịch sử “The Vietcong Massacre at Hue” Tr 20.
HẾT.


ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gọi tắt là Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập thành. Lễ Khai Đạo tổ chức tại Chùa Gò Kén, làng Long Thành tỉnh Tây Ninh năm 1926. Bài nầy trình bày tổng quát về hình thể (03 đài) và tổ chức tôn giáo.
PHẦN MỘT: HÌNH THỂ (ĐẠO).
Bát Quái Đài (BQĐ): Đức Chí Tôn làm chủ. Toàn bộ giáo pháp của đạo do BQĐ mà có. BQĐ có một Hội Thánh riêng. BQĐ ví như linh hồn của đạo.
Hiệp Thiên Đài (HTĐ): Đức Chí Tôn chủ quản (cả hữu hình và vô vi). 
Ngài giao cho Hộ Pháp chưởng quản phần hữu hình. Phần HTĐ hữu hình có một Hội Thánh riêng do Hộ Pháp chưởng quản. HTĐ là cầu nối giữa BQĐ (vô vi) và CTĐ (xác). Nên HTĐ là bán hữu hình. HTĐ ví như chơn thần của đạo (trí não).
Cửu Trùng Đài (CTĐ): Đức Lý Đại Tiên Trưởng (Lý Thái Bạch) là Giáo Tông chưởng quản. Ngài giao cho phẩm Giáo Tông hữu hình chưởng quản phần hữu hình của CTĐ. CTĐ ví như thể xác của đạo.
Phần Hội Thánh hữu hình của HTĐ và CTĐ hiệp lại gọi là Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay Hội Thánh Cao Đài. Trình bày về tổ chức, phẩm trật hay nhiệm vụ là nói về phần hữu hình của HTĐ & CTĐ là chính yếu. (1).
PHẦN HAI: TỔ CHỨC TÔN GIÁO.
Hội Thánh Cao Đài bao gồm tất cả chức sắc HTĐ, CTĐ Nam, Nữ từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương trở lên, (HTĐ từ phẩm Truyền Trạng trở lên).
Hội Thánh có 02 tổ chức chính yếu: Hành chánh đạo và Chánh trị đạo. Chánh trị đạo ví như tác giả soạn ra kịch bản. Hành chánh đạo ví như đào kép trình diễn kịch bản trước công chúng.
Tương quan pháp & luật: Pháp trên luật nên luật phải tùng pháp.
Pháp: Do Hội Thánh BQĐ lập như Pháp Chánh Truyền (PCT) là hiến pháp của đạo, cấm sửa đổi, kế đó Lý Giáo Tông và Hộ Pháp lập (các Đạo Nghị Định).
Luật có 02 cách lập: cách 1: Theo PCT, cách 2: từ 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh.
A/- HÀNH CHÁNH TÔN GIÁO.
Hành chánh tôn giáo có 02 phương diện: giáo hóa và luật lệ. Giáo hóa là nhiệm vụ của CTĐ, luật lệ là nhiệm vụ của HTĐ. CTĐ là cơ quan hành pháp nên cầm quyền hành chánh tôn giáo. HTĐ là cơ quan tư pháp của đạo. Hoạt động của hai đài đều căn cứ vào PCT (hiến pháp) làm gốc. Cả hai đài nằm trong hành chánh tôn giáo.
I/- CỬU TRÙNG ĐÀI.
Số lượng nhân sự CTĐ, các phẩm cấp, quyền hạn mỗi phẩm, được qui định rõ trong Pháp Chánh Truyền. CTĐ là thể xác nên có phân biệt Nam và Nữ.
1/- CỬU TRÙNG ĐÀI NAM PHÁI.
1.1/- Chia phái: Chức sắc CTĐ Nam phái chia ra 03 phái: Thái, Thượng, Ngọc.
Phái Thái sắc phục vàng (cơ bi). Phụ trách 03 viện Hộ, Lương, Công.
Phái Thượng sắc phục xanh (cơ trí). Phụ trách 03 viện Học, Y, Nông.
Phái Ngọc sắc phục đỏ (cơ dũng). Phụ trách 03 viện Hòa, Lại, Lễ.
1.2/- Phẩm trật và số lượng.
01 phẩm Giáo Tông. Là anh Cả của toàn đạo.
03 vị Chưởng pháp. Đặc nhiệm về pháp luật. Mổi phái một vị.
03 vị Đầu Sư. Đặc nhiệm về chánh trị và luật lệ. Mổi phái một vị.
36 Phối Sư. Chia đều cho 03 phái. Trong đó bao gồm 03 vị Chánh Phối Sư, mổi phái là có một vị Chánh PS. Từ Phối Sư trở lên phải hành đạo tại Tòa Thánh.
72 Giáo Sư. Chia đều cho 03 phái. Là chức sắc cao cấp nhất đi hành chánh nơi địa phương. Làm đầu một Trấn đạo để lo cho tín đồ như anh ruột lo cho em.
3.000 Giáo Hữu. Chia đều cho 03 phái. Là người có hạnh đức và tư cách. Từ Giáo Hữu trở lên phải là bậc thượng thừa. Làm đầu một Châu đạo.
Lễ Sanh. Cũng chia theo phái, nhưng không cần đều nhau, thánh danh do cơ bút mà có và không giới hạn số lượng. Lễ Sanh là người có hạnh và hành đạo thì làm đầu một Tộc đạo (Quận). Đây là phẩm trung gian giữa hạ tầng và thượng tầng.
2/- CỬU TRÙNG ĐÀI NỮ PHÁI.
01 vị Nữ Đầu Sư. Quyền hạn như Đầu Sư Nam Phái.
01 vị Nữ Chánh Phối Sư. Quyền hạn Chánh Phối Sư Nam Phái.
Từ phẩm Phối Sư xuống đến Lễ Sanh không giới hạn số lượng. Quyền hạn y như bên Nam phái, Song chỉ coi phần Nữ Phái. Nữ phái không phân phái, và mặc sắc phục màu trắng.
3/- CẦU PHONG & CẦU THĂNG.
Cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài Nam Nữ, đều phải thọ phong nơi Hiệp Thiên Đài hoặc bởi cơ bút hoặc bởi khoa mục hoặc bởi công cử.
Nên khi công cử phải có mặt Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, giữ lẽ công bình cho khỏi điều tư vị, lại còn có phương thế hỏi Đức Giáo Tông cùng Thầy, coi người đắc cử có phải chánh vị hay chăng? Nên trước khi thọ sắc phải do nơi Đức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng. (PCT chú giải).
Quan điểm thiên nhân hiệp nhứt và Trời, Người đồng trị nên tuyển chọn nhân sự CTĐ có 03 bước. Bước 1: Do 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh công cử. Bước 2: Quyền Chí Tôn tại thế (là quyền Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại) công nhận. Bước 3: Dâng lên cho thiêng liêng quyết định bằng cơ bút tại Cung Đạo.
Từ phẩm Lễ Sanh trở lên thuộc quyền điều động của Hội Thánh. Bắt buộc phải đi hành đạo nơi các địa phương (xuất sư).
4/- BÀN TRỊ SỰ.
Một Bàn Trị Sự gồm có 03 phẩm: Chánh Trị Sự (CTS), Phó Trị Sự (PTS) và Thông Sự (TS). Số lượng BTS không giới hạn. BTS Nam và Nữ song song nhau để lo cho phái của mình. Nếu phái Nữ không có thì phái Nam kiêm nhiệm. Phẩm PTS và TS do tín đồ trong đạo bầu. Phẩm CTS do các PTS và TS hiệp lại bầu.
Chức sắc đến quan sát có đúng luật hay có bất công, mờ ám chi so với luật định thì nói rõ để chỉnh đốn nhưng không có quyền bỏ phiếu hay can dự vào phiếu bầu. Hội Thánh chỉ công nhận mà không thuyên bổ, điều động BTS. 
01 Chánh Trị sự. Làm đầu một Hương (xã), (bao gồm nhiều ấp). Cầm cả 02 quyền chánh trị và luật lệ. Nên còn gọi Đầu Sư em.
01 phẩm Phó Trị Sự: Phụ trách giáo hóa nơi ấp đạo. Nên gọi Giáo Tông em.
01 phẩm Thông Sự: Phụ trách luật lệ nơi ấp đạo. Nên gọi Hộ Pháp Em.
Bàn Trị Sự còn gọi là Hội Thánh Em, quyền hạn và trách nhiệm Hội Thánh Anh thế nào thì Hội Thánh Em cũng vậy nhưng giới hạn trong phạm vi địa phương được bầu. Đó là định chế phân quyền trong đạo (không tản quyền). Cái hay đẹp của đạo có được là do nơi BTS quyết định phần lớn.
II/- HIỆP THIÊN ĐÀI.
HTĐ có 02 nhiệm vụ: Nhiệm vụ thiêng liêng là nối liền CTĐ với BQĐ bằng cơ bút và hiệp với BQĐ để lập pháp. Nhiệm vụ phàm trần là bảo tồn pháp luật đạo nên nắm quyền tư pháp trong hành chánh tôn giáo. Đạo phục chức sắc HTĐ màu trắng.
Hộ Pháp: Chưởng quản Hiệp Thiên Đài kiêm chưởng quản về Pháp. Bên dưới có 04 vị Thời quân Chi Pháp giúp.
Thượng Phẩm: Quyền về đạo. Bên dưới có 04 vị Thời quân Chi Đạo giúp.
Thượng Sanh: Lo về phần đời. Bên dưới có 04 vị Thời quân Chi Thế giúp.
Theo PCT thì 15 phẩm trên đây có dây sắc lịnh: … hễ mỗi Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mang dây sắc lịnh vào mình mà hành chánh nơi nào, thì phải tuân mạng, dầu lỗi quấy cũng phải chìu theo, chỉ để cho Hội Thánh có quyền định tội, …
Dây sắc lịnh giống như Thượng Phương bảo kiếm của nhà vua. Dưới đây là phẩm trật chức sắc HTĐ.

Thượng Phẩm

Hộ Pháp

Thượng Sanh
















Bảo Đao

Bảo Pháp

Bảo Thế












Hiến Đạo

Hiến Pháp

Hiến Thế












Khai Đạo

Khai Pháp

Khai Thế












Tiếp Đạo

Tiếp Pháp

Tiếp Thế

























Tiếp Dẫn Đạo Nhơn
Chưởng Ấn
Cải Trạng
Giám Đạo
Thừa Sử
Truyền Trạng
Sĩ Tải
Luật Sự



HTĐ là chơn thần của đạo nên chức sắc không phân chia Nam, Nữ mà phân theo chi và không giới hạn số lượng. Chức sắc HTĐ thăng phẩm do cơ bút nhưng không qua 03 Hội lập quyền vạn linh. Khi Đức Hộ Pháp triều thiên thì Đức Lý Giáo Tông trả quyền phong thưởng chức sắc HTĐ lại cho Hộ Pháp. PCT HTĐ còn có Thập Nhị Bảo Quân coi về Hàn Lâm Viện của đạo. 
Như vậy HTĐ có chi, CTĐ có phái. Nhưng pháp luật đạo không chấp nhận chi phái và xếp vào bàng môn tả đạo Đạo Nghị Định thứ tám, điều thứ nhứt.  

B/ BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH hay CHÁNH TRỊ ĐẠO.
Hành chánh tôn giáo căn cứ vào PCT. Ba Hội lập quyền vạn linh căn cứ vào 04 luật: Luật Lệ Chung Các Hội (1934), Nội Luật Hội Nhơn Sanh (1934), Nội Luật Hội Thánh (1934) và Nội Luật Thượng Hội (1932). 03 Hội lập quyền soạn ra kịch bản để hành chánh tôn giáo thực hiện.
Đạo Cao Đài lập quyền cho nhơn loại để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do. Muốn lập quyền cho nhân loại phải có cơ chế để tín đồ thể hiện ý chí và quyền lực mạnh mẽ của mình. TÍN ĐỒ MẠNH (DÂN MẠNH) thì nền đạo có đủ năng lượng thực hiện Bảo Sanh – Nhơn Nghĩa – Đại Đồng, xây dựng nền văn minh mới trong thời toàn cầu hóa. Cơ chế của đạo (thể pháp tôn giáo) cung ứng công thức, mô hình, cơ chế ra cho xã hội tham khảo và ứng dụng theo qui luật CUNG CẦU. Nhân loại tùy vào tài nguyên và môi trường mà ứng dụng.
I/- HỘI NHƠN SANH.
1/- Địa điểm tổ chức. Trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh.
2/- Thời gian: 15. 01. Âm lịch. Nghị trưởng gởi chương trình vào 01. 12. Âm lịch.
3/- Thành phần dự hội:
Nghị trưởng: Thượng Chánh Phối Sư.
Phó Nghị Trưởng: Nữ Chánh Phối Sư.
Một Nghị Viên Nam; và một Nghị Viên Nữ … Từ Hàng.
Hai Nghị Viên Nam và hai Nghị Viên Nữ …. Phó Từ Hàng.
Phái đoàn Nam, Nữ của các Tộc Đạo là đơn vị tham gia. Mỗi phái đoàn Nam, Nữ gồm: 01 vị Lễ Sanh, 01 vị CTS, 01 vị PTS, 01 vị TS và 01 vị Đạo Hữu. Tất cả đều phải là hạng trường trai. Cách chọn như sau:
Tộc đạo có 01 Lễ Sanh Đầu Tộc là trưởng đoàn. Các phẩm CTS cùng ngồi lại cử 01 vị đại diện. Phẩm PTS, TS cũng vậy, gọi chung là nghị viên. Trong hàng Đạo Hữu trường trai cũng ngồi lại chọn 01 đại diện gọi là Phái Viên. Nhiệm kỳ nghị viên & phái viên: 03 năm. Cử xong thì lập chương trình dự hội. HTĐ cử chức sắc tham dự để quan sát về luật đạo, nhưng không có quyền thảo luận, biểu quyết.
4/- Chương trình nghị sự:
1/- Giáo hoá nhơn sanh.
2/- Lo liệu phương hay cho Ðạo với Ðời khỏi điều phản khắc và nâng cao tinh thần trí thức của nhơn sanh.
3/- Phổ Ðộ nhơn sanh vào cửa Ðạo dìu dắt Tín đồ cho khỏi trái bước.
4/- Xin sửa cải thêm bớt hay huỷ bỏ những luật lệ của Ðạo không phù hợp với trình độ trí thức tinh thần của nhơn sanh.
5/- Lo cho nền Ðạo được trong ấm ngoài êm, và đủ phương liệu đặng phổ thông nền chơn giáo.
6/- Xem xét và công nhận phương diện chánh trị của Ðạo quan sát sổ thâu xuất tài sản và nghị sổ phỏng định năm tới.
5/- Chia nhánh để làm việc: Sau khi khai mạc, HNS chia ra 03 ngánh để quan sát việc hành đạo của phái Thái, Thượng và Ngọc và lập vi bằng. Kết thúc vi bằng ngánh thì họp chung để trình bày cho cả hội chất vấn và thông qua theo cách quá bán.
6/- Nhân sự phải trả lời:
Nếu một vấn đề nào bị công kích thì Chánh Phối Sư hay là quản lý thuộc về vấn đề ấy phải trả lời hay là bày tỏ cho khỏi sanh điều khó khăn cho việc bàn cải.
7/- Dự thính: Nơi hội phải có khu vực cho những người không đắc cử đến quan sát để giúp tài liệu cho các nghị viên, nhưng không được phát biểu hay biểu quyết.
Tóm lại: Hội Nhơn Sanh là cơ chế để lập quyền cho tín đồ.
II/- HỘI HỘI THÁNH.
1/- Địa điểm: Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh.
2/- Thời gian: 15. 07. Âm lịch. Nghị trưởng gởi nghị sự trước 01 tháng.
3/- Thành phần dự hội:
Thái Chánh Phối Sư …. Nghị Trưởng.
Nữ Chánh Phối Sư …. Phó Nghị trưởng.
Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hửu: Nam Nữ …. Nghị viên.
Một Nghị viên Nam và một Nghị viên Nữ …. Từ hàng.
Hai Nghị viên Nam và hai Nghị viên Nữ … Phó Từ hàng.
Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư.
Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài.
Chức sắc CTĐ & HTĐ bỏ thăm riêng với nhau.
4/- Chương trình nghị sự:
1- Các vấn đề của Hội Nhơn Sanh đã bàn định hoặc của Thượng Hội gởi xuống đặng lập phương ban hành.
2- Lo về sự phổ độ, việc hành đạo tha phương, tài liệu, tài chánh của Ðạo và cả nền Chánh Trị của Ðạo.
3- Bàn cải và công nhận sổ phỏng định thâu xuất năm tới.
4- Xin sửa cải thêm bớt hay là huỷ bỏ những luật lệ không phù hạp với sự tấn hoá về tâm trí nhơn sanh.
5- Các việc có ảnh hưởng về nền Ðạo.
5/- Chia phái để làm việc.
Sau khi khai mạc, nghị viên chia theo phái để quan sát việc hành đạo. Sau đó đem ra thông qua trước đại hội. Các nhân sự liên quan có mặt để trả lời chất vấn.
6/- Dự thính: Chức sắc hàm phong được quyền dự thính.
HNS & HHT do nghị trưởng làm đầu, khi vắng mặt lập tức có người thay thế. Thượng Hội do Hội Trưởng điều hành. Luật không cho phép thay thế Hội Trưởng.
III/- THƯỢNG HỘI.
1/- Địa điểm: Trong Đền Thánh.
2/- Thời gian: Sau lễ Noel.
3/- Thành phần tham dự:
Giáo Tông: Hội Trưởng.
Hộ Pháp: Phó Hội Trưởng.
Thượng Phẩm, Thượng Sanh, ba vị Chưởng Pháp, ba vị Ðầu Sư Nam Phái, Đầu Sư Nữ Phái là nghị viên.
4/- Nghị sự:
1- Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh bàn luận về việc Ðạo.
2- Các điều ước (voeux) của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh.
3- Thượng Hội bàn luận và định đoạt các việc cần gấp hoặc yếu trọng trong Ðạo.
5/- Bỏ phiếu.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại là quyền Chí Tôn tại thế, nên hai vị không bỏ phiếu. Khi các nghị viên TH bỏ phiếu xong thì chờ trong 15 phút để hai vị vào đại điện mật nghị và trở ra thông báo đồng ý hay không./.
@@@
(1): Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền. Hiệp Thiên Đài căn cứ vào thiên thơ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển) lập thành. Phước Thiện là một cơ quan để giúp hay cho hành chánh tôn giáo. Theo Đạo Luật Mậu Dần (1938) Phước Thiện có thể lệ riêng.






THUYẾT ĐẠO:
Ngày 15-7-Đinh Sửu (dl 20-8-1937)
Đức Hộ Pháp.
Thưa cùng chư Viên quan quí chức, quí Ông quí Bà, chư Chức sắc Thiên phong nam nữ, chư Đạo hữu lưỡng phái.
Chiếu theo ý nghĩa chữ ĐẠO là một định từ để chỉ tánh đức của loài người đối với Đức Chí Linh cùng càn khôn vũ trụ.
Loài người bao giờ cũng chủ tâm tìm tòi. Kiếm cái nguyên do lai lịch của mình, hầu định phận đối cùng Tạo đoan vạn vật. Muốn biết mình, con người phải lột cả sự bí mật huyền vi của vạn vật hữu sanh tại thế, gọi là chúng sanh, đặng so sánh. Thấy đặng cái sống của vạn vật mới biết đặng cái sống của mình. Thấy đặng cái năng tri năng giác của chúng sanh mới tìm đặng cái tâm linh của mình là báu. Thấu đáo đặng tâm linh mới biết Thiên lương do Chí thiện. Khi hiểu cái Thiên lương ấy là mầu nhiệm huyền bí, tả không cùng, hiểu không tột, chẳng biết lời chi mà đặt để, nên định phỏng danh là ĐẠO.
Vì cớ cho nên lấy chữ TÂM làm mục đích.
Các Thánh nhơn xưa thường đem cái triết lý ĐẠO TÂM hiệp làm môi giới, nên dầu cho các vị Giáo Chủ, tuy mỗi Đấng đều có cái tư tưởng đặc sắc nên triết lý cao thấp không chừng, nhưng cũng phải buộc lấy chữ TÂM làm nguồn cội.
Ôi!  Nếu luận đến hai chữ CHỦ TÂM thì ta cũng thấy rõ ràng: một vấn đề thuyết không cùng, biện không tận, vì nó quảng đại bao la, vô biên vô giới, bởi nó do nơi Đức Chí Linh là Trời mà sản xuất.
Hễ càn khôn vũ trụ nầy vĩ đại bao nhiêu và cơ bí mật Tạo đoan bao nhiêu thì nhơn tâm đều hưởng ứng bấy nhiêu. Dầu cho kiến thức đặng hay là còn ẩn vi mầu nhiệm mà lương tâm của con người đã hưởng ứng, đều cho mọi trí não mọi tinh thần tự hiểu rằng: sự thấu đáo chữ ĐẠO vô cùng vô tận, muôn phần loài người chưa định đặng một, vì vậy các nhà triết học đạo đức tinh thần cho Nhơn tâm tức Thiện tâm cũng đáng.
TÂM ấy là gì?
Ấy cũng là một định từ để chỉ cái hình bóng của trí thức tinh thần. Đạo gọi là Nhứt điểm linh quang chiếu giám.
1. Đức Chúa Jésus khi thọ pháp giải oan nơi sông Jourdain thì điểm linh quang ấy đến với một cái hình ảnh phi cầm là con bồ câu hào quang sáng lạng.
2. Đức Phật Thích Ca khi trì định tại vườn Bồ Đề thì điểm linh quang ấy giáng như hình khối lửa.
3. Đức Lão Tử khi thiền định tại Thư viện nhà Châu thì điểm linh quang ấy giáng như hình sấm sét.
4. Đức Khổng Phu Tử khi vấn đáp với thần đồng Hạng Thác, thì điểm linh quang ấy giáng như hình sợ sệt.
Chẳng cần luận cao xa hơn nữa, như Abraham và Moise thấy Đức Chúa Trời trong đạo hào quang sáng sáng suốt; như Đức Lão Tử, Nguơn Thỉ Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo chủ thấy Hồng Quân Lão Tổ trong năm sắc tường vân, như Phục Hy thấy Long mã hóa Hà đồ. vv . . .
Nhứt điểm linh quang ấy vẫn nhiều hình dáng, vẽ không nên hình, tả không nên tướng.
Ấy là một huyền bí vô chừng mà các nhà đạo đức từ thượng cổ đến chừ đã để tâm nghiên cứu tìm tàng, đôi phen phải lặn suối trèo non, chun trong hang sâu, vào nơi vực thẳm.
Bởi cái chí hướng của loài người bị quyền năng của Nhứt điểm linh quang thôi thúc, nên trí não tinh thần cũng xu hướng theo sự bí mật ẩn vi của quyền năng Tạo đoan còn chất chứa.
Hễ có tìm thì có biết, hễ biết lại còn phải biết nữa, càng biết lại càng giấu, bởi sự hay biết của tánh đức loài người chưa hề thấu đáo đặng sự bí mật Tạo đoan cho cùng tận, tức gọi là “Tầm Đạo”. Hễ càng tìm càng dốt, hễ gọi biết lại là ngu, vì chưa có một mắt phàm nhơn nào tại thế nầy mà Đức Chí Tôn đã giao trọn huyền vi bí mật. (De pauvres esprits prétentent qu’ ils sont dans le secret de Dieu. Or, je ne donne à nul humain ici-bas d’ en faire la révélation).
Ấy vậy, chữ ĐẠO vẫn để nói mà hình vật của Đạo vốn khó tìm. Đạo do trí thức tinh thần mà xuất hiện, chưa có một vật chi hữu linh tại thế nầy mà không có Đạo. Cái vĩ đại của Đạo thật là khó rõ, mà Đạo lại dễ lợi dụng.
Dưới mặt luật tương đối của đời đã biến hình, biết bao tư tưởng phô bày, biết bao tướng diện ảnh hình.
Tranh nhau từ cái khôn cái khéo, hơn nhau từ cái xảo cái ngoan, sánh nhau từ cái cao cái sâu, giành nhau từ cái sang cái trọng, để một trường luận biện chánh chánh tà tà, cho biết cái quyền năng của Đạo nó tạo cái hay sự dở.
Chưa ai lấy một triết lý dầu cao siêu thế nào đặng làm môi giới chuẩn thằng hầu định đức tánh của loài người cho cùng tận thì không có một giáo lý nào dưới mặt địa cầu nầy đã đáng danh là Đạo.
Chúng ta không dám chối, các tôn giáo không phải là Đạo, mà chúng ta quyết hẳn rằng, các nền tôn giáo chưa đáng danh gọi Đạo. Nếu biết cái triết lý do tinh thần sản xuất thì là Đạo đã đành, nhưng nó chỉ là một tư tưởng trong vô cùng vô tận của trí thức tinh thần mà thôi, song chúng ta phải biết bao nhiêu tư tưởng khác nữa. Cái nguồn ấy chưa khô chưa cạn và chúng ta lại quả quyết rằng, hễ còn loài người thì có tư tưởng, cả tư tưởng ấy cho đến tận thế cũng  vẫn  còn.
Ấy vậy, loài người đương bôn xu trên con đường Đạo chớ chưa hề tới tận nguồn cội của Đạo bao giờ.
Các tôn giáo tuy đáng danh Đạo chớ chưa phải Đạo. Tỉ như cát kia ở nơi một gò, một bãi biển, một sa mạc thì nhỏ lớn đều đặc biệt cùng nhau. Thay vì chỉ tên một gò, một bãi hay một sa mạc, lại gọi tiếng cát trơn, thì chúng ta chẳng hề chối đặng, bởi dầu một bãi, một sa mạc hay một gò, nó đều có danh là cát.
Vậy thì dầu cho tả đạo bàng môn hay là chơn tông chánh giáo, cũng đặng phép tạm xưng là Đạo, những điều khinh trọng, duy để nơi cân công bình của toàn Thiên lương trí thức tinh thần định đoạt.
Ta không dám xử, nhưng tự nhiên mỗi cá nhân để trí thức mà định phận.
Ta không đủ thông suốt đặng dung nạp các giáo lý của các nền Đạo đương thời mà linh tâm cho ta hiểu rằng, nó chưa vui hưởng đặng cái hay  của  mùi  Đạo.
Từ cổ chí kim, con người đã mua cái danh Đạo rất nên mắc mỏ. Cái linh tâm của chúng ta vốn là tự do mà các tôn giáo đã buộc ràng nó trong một hành vi chật hẹp đặng bảo thủ cái Thiên lương thì tức nhiên nó đem một cái báu vô giá đặng đổi chuộc một vật thường tình, e cho thế gian thất Đạo cũng do theo lẽ ấy.
Cái khí hứng của Linh tâm bao giờ cũng chú trọng theo cái hoạt động tự do, lấy Thiên mạng làm căn bản, thì Thiên lương là tớ, Linh tâm là thầy. Các tôn giáo buộc thầy tùng tớ, thì rõ ràng là trái lý. Bởi cớ cho nên Linh tâm phản động mới nảy ra Tả đạo bàng môn, làm cho các mối chơn truyền thành ra bất năng vô ích.
Hỏi Linh tâm do đâu mà sản xuất?
Có phải do nơi Tạo Hóa Chí Linh đã ban cho loài người đặng có đủ quyền năng làm chúa cả toàn vạn vật hay chăng? Nó là Nhứt điểm linh do nơi Đức Chí Linh mà có, thì nó là con của Trời, tức nó là Trời.
Còn Thiên lương do nơi đâu mà có?
Thiên lương do nơi sự đối phó cùng vạn vật hữu hình lập phương chước bảo tồn sanh hoạt. Không có Thiên lương thì chưa biết nhìn nhau là bạn trong trường khổ não đau thương hầu bảo thủ mạng sống lẫn nhau đặng dìu dắt nhau đi tận con đường giải thoát.
Có Linh tâm mới biết mình là một vật trong vạn vật của Chí Tôn đào tạo, rồi nhìn Chí Tôn trong hình vạn vật mà tự hiểu rằng, Chí Tôn phải có tự nhiên tánh đức Bác ái Từ bi, mới nuôi nấng trọn chúng sanh vạn vật.
Tâm lành của Trời tức là tâm lành của người. Hình ảnh vĩ đại trước kia nó biến ra hình ảnh tối thiểu sau nầy, nên gọi nó là Thiên lương.
Vì vậy, các giáo lý của mấy vị chưởng giáo từ trước đều là cơ quan un đúc bảo trọng Thiên lương mà thôi. Hễ có Linh tâm tức nhiên có Thiên lương, dầu không cần kiếm, tự nhiên nó cũng có. Chúng ta chưa hề dám nói các tôn giáo là vô ích mà ta chỉ than rằng: Chưa đủ.
Dạy đời cho lành mà không dạy đời cho ngoan thì chẳng khác nào dạy cho biết cái sống mà quên cho hiểu cái chết, hay là dạy cho đọc sách mà không cho học chữ. Chớ chi, các tôn giáo biết chú trọng Linh tâm hơn là cần lo gầy dựng un đúc Thiên lương thì con đường Chí thiện của chúng sanh sẽ đặng quang minh quảng đại hơn nhiều, mà cái Đạo của Đời sẽ tùy theo Linh tâm trở nên hiền lương nhơn hậu hơn. May ra khối khổ não của Đời chưa đến nỗi to lớn nguy hiểm như thế nầy.
Chúng ta thoạt nhiên quan sát tận tường, bởi các bằng cớ tạo đời do nơi tư tưởng của các tôn giáo hiển nhiên tại thế nên đoán chắc rằng, nếu giáo lý nào mà rộng mở cho sự tự do hoạt động của điểm Linh tâm thì điểm Linh tâm tùy theo sự nhỏ lớn của sự ân hậu khoan hồng ấy mà hưởng ứng, do đó, các tôn giáo mạnh yếu khác nhau cũng vì lẽ ấy.
Hiện thời, đạo Thiên Chúa đã đặng thế lực mạnh mẽ, đáng danh là một tôn giáo toàn cầu, kể tổng số hơn các tôn giáo khác. Ngoài ra phương chước làm cho thành tướng các triết lý chơn ngôn, những tay cầm giềng mối đạo đã rộng mở cho đời đôi chút tự do tư tưởng, đạo Thiên Chúa nhờ nương cái đức tín của một Đấng Chí Tôn nên thế lực vững vàng kiên cố.
Các quốc dân châu Âu đã đặng khôn ngoan hơn, đặng tài tình hơn, đặng cao trọng hơn, tưởng cũng do may hưởng các đặc ân của Đấng Chí Tôn cho rộng thế hoạt động thành hình của tự do tư tưởng.
Trái lại, chúng ta lại buồn thay cả khu địa giới cõi Á châu nầy chịu dưới quyền cảm hóa của Phật giáo từ cổ đến kim, nên dân sanh phải chịu lỡ bước văn minh tấn bộ.
Kiếm duyên cớ, chúng ta đã thấy hẳn rằng: Triết lý mà Phật đã bó buộc tư tưởng của con người vào một khuôn khổ hành vi chật hẹp nên mới ra đến đỗi. Một tôn giáo đã khuyên nhủ, đã dụ dỗ, đã yêu cầu cho điểm Linh tâm tự diệt, rồi lại để cho Thiên lương vi chủ, thì là một nền tôn giáo biểu chủ phải tự tử để cho tớ cầm quyền thì bảo sao không chịu cái nạn tán gia bại sản. Thảm thay! Nếu phải vong phế vì quốc sự bạc nhược ấy, các sắc dân nơi cõi Á châu nầy phải tìm tòi đặng học vấn với một thầy nào, tức nhiên phải đến gõ cửa Khổng gia hay tìm nhà Lão giáo.
Ông Khổng thì biểu ôm một kho sách cho dẫy đầy, đủ phương chước mưu mô đặng trị an thiên hạ, đặt đủ truyện đủ tuồng, đủ vai đủ vở, nhưng rủi thay đời chưa kiếm đặng một mặt kép hay đặng làm tuồng theo đúng vở, thành thử không khác nào một ông thầy tuồng đặt bài vở thiệt hay nhưng không có kép tài đặng hát.
Ấy là một tôn giáo rộng lý thuyết mà hẹp thật hành, bởi thúc phược tự do tư tưởng.
Nho giáo như cái chậu, cái khôn ngoan của đời tức là Linh tâm như cây kiểng, cây kiểng ở trong chậu chẳng hề đặng to lớn bao giờ, duy để cho đời đặng ngoạn mục xem ngắm cái hay của sự u nần cúi cụt.
Ông Lão thì chỉ khuyên nhủ dân sanh nuôi nấng cái điểm Linh tâm cho cường cho thạnh, nhưng không cho nó hoạt động biến hình, thành thử dạy đời về khôn khéo mà ghét đời về ăn ở thì chẳng khác nào như một ông thầy thuốc đã triï bịnh cho người, biểu đừng ăn cứ ngủ.
Tưởng ra thì một giáo lý dạy chúng sanh nằm ngủ đặng đợi hết đói thì dầu cho các môn đệ của người bảo thủ vẹn vẻ lấy điểm Linh tâm, thì điểm Linh tâm ấy cũng hóa bất năng vô ích.
Cái triết lý của đạo Lão là một triết lý rộng mở cho điểm Linh tâm, mà trở lại một tôn giáo thúc phược lương tâm hơn hết.
Đường Đạo vốn mênh mông, tâm đức đi ngõ nào cho đúng nẻo?  Tâm đức vốn vô ngằn, phải đạo lý nào cho phù hạp?
Hai câu vấn đáp mật thiết tương thân nầy, nếu mấy vị Giáo chủ còn đương thời hỏi đến cũng phải nhăn mày nhíu mặt.
Chúng ta cũng nên riêng tưởng rằng: chưa có một cái quyền năng nào mà thúc phược đặng điểm Linh tâm, hầu bỏ nó vào một khuôn khổ hữu hình hữu dạng, thì tức nhiên chưa có một nền tôn giáo nào đủ tài đức quyền hành đặng làm chủ đức tin thiên hạ.
Đời phải học với cha mẹ, cha mẹ chưa đủ đức mà dạy cho nên danh, đời phải học với thầy, thầy chưa đủ đức mà dạy cho nên phận, đời phải học với vua, vua chưa đủ đức mà dạy cho nên Đạo, duy phải tìm Trời là Đấng đủ quyền năng tạo thế, lại là Cha của đức tánh loài người, thì mới đủ phương pháp dạy người cho nên người vẹn vẻ.
Đạo Cao Đài vốn là cơ quan để nắm tay của đời đặng dắt vào trường học của Trời mà chớ./.








 Ngày 23-01-1927 (âl. 20-12-Bính Dần): Ðức Thái Bạch dạy thi văn (Ðiệu văn Ðộng Ðình: Biến hóa Thập Nhị Khai Thiên), thâu Môn Ðệ và dạy đạo.
(Ngụ đời tt).
Dimanche 23 Janvier 1927 (20-12-Bính Dần).

THÁI BẠCH

Hỉ chư Ðạo Hữu, chư Ðạo Muội, chư Chúng Sanh,
Ngồi kiết tường nghe Lão dạy văn:
Ngụ đời Số 4: Trên là Thập Nhị Thời. Giữa là Thập Ðiện Diêm Cung. Gọi là điệu văn Thập Ðiện.
Kìa Quan viên Chức sắc bôn chôn, cũng lũ dại học khôn,
Nọ binh lính Tổng làng chộn rộn, cũng lũ ngu ăn hổn.
Mua phẩm hàm tước hộ cầu tôn, tiền ngàn không sợ tốn.
Cửa công huyện mãn nha còn,
Dạ thưa lưỡi mỏi, cúi lòn lưng cong.
Lằn xanh ưa hửi mùi đồng,
Ham thân nô lệ mến vòng tôi con.
Lớp lương tháng chẳng tròn, nỗi vợ con ương yếu,
Rủi phải cơn thốn thiếu, chịu người níu kẻ đòi.
Ðã quen tiếng buộc lời lơi,
Gian làm ra phải lỗi dời thành ngay.
Dày công đếm số mề đay,
Mực văng nhuộm tánh, viết mài tiêu tâm.
Có chi ham ....















Ngày 24-01-1927 (âl. 21-12-Bính Dần): Ðức Thái Bạch dạy thi văn (Ðiệu văn Ðộng Ðình: Biến hóa Thập Nhị Khai Thiên), thâu Môn Ðệ và dạy đạo.

Lundi 24 Janvier 1927 (21-12-Bính Dần).

THÁI BẠCH

Hỉ chư Ðạo Hữu, chư Ðạo Muội, chư Chúng Sanh,
Ngồi kiết tường.... Hộ Pháp, Hiền Hữu ngâm mấy bài trước cho Lão chỉ tên bốn bài chót.
Thượng Phẩm Hiền Hữu có đề số 1:
No 1 - Trên là "Tứ Thời" giữa là "Tam Tài", gọi điệu văn Tam Tài.
No 2 - Bài nhì, trên là Bát Tuyết giữa là Ngũ Hành, gọi điệu văn Ngũ Hành.
No 3 - Bài ba, trên là "Lưỡng Khí" giữa là Cửu Thiên.
No 4 - Bài tư, trên là "Thập Nhị Thời" giữa là Thập Ðiện Diêm Cung, gọi là điệu văn Thập Ðiện. Chỉ rõ ràng Bát Quái, Bát Quái đã biến đủ nhứt âm, nhứt dương.
Lão tiếp thêm cho đủ 12 điệu văn, gọi là "Thập Nhị Khai Thiên" Ðộng Ðình Hồ....
Ngụ đời Số 5:
Nguồn nước cấm
Thủy lợi thâu
Chiếc thuyền câu
Ra thủ phạm
Nghề xưa hạ bạc đã nhàm
Nay dân đói khó ra làm không no
Lúc giăng lưới khi đóng nò
Mảng lo tàu chặn, nhẫn dò bè trôi.
Cá chê mồi
Bởi quen muối,
Không tránh lưới
Nào khi nguyệt giỡn sóng cười
Thú hay mặt nước chơn trời ngửa nghiêng
Kinh luân đứt nối khó truyền
Gãy câu Khương Tử, đắm thuyền Ngư Công.
Song cũng vẫn một lòng....
(Còn tiếp).



ĐỐI CHIẾU & PHÂN TÍCH
ĐẠO CAO ĐÀI 1926 & CHI PHÁI 1997.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài lập năm 1926 và chi phái 1997 là 02 tổ chức tôn giáo khác.
Chúng tôi căn cứ vào hiến chương ĐĐTKPĐ và hiến chương chi phái 1997 để đối chiếu & phân tích 05 mục: Danh hiệu hai tổ chức, nguồn gốc lập thành, tuyển chọn nhân sự, cơ cấu tổ chức và đường lối hành đạo (phục vụ cho ai?).
I/- Danh hiệu 02 tổ chức tôn giáo.
Đây là phần căn bản của vụ kiện, chúng tôi đối chiếu & phân tích các mục: danh hiệu; tư cách và địa điểm; sự độc lập và lệ thuộc; công văn cơ quan Hiệp Thiên Đài và sự tráo trở của chi phái 1997 tại lời nói đầu.
1/- Danh hiệu.
Căn cứ vào hiến chương 1965 của Cao Đài 1926 và hiến chương Chi phái 1997.
Danh hiệu Đạo Cao Đài 1926.
Danh hiệu chi phái 1997.
ĐIỀU THỨ NHỨT: Danh hiệu là: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, nói tắt là (Đạo Cao Đài).
Điều 1: Danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh.
Phân tích:
Đạo Cao Đài 1926 là gốc, danh hiệu có 06 chữ, nói tắt có 03 chữ.
Chi phái 1997 danh hiệu có 10 chữ gọi tắt có 05 chữ. Không ứng vào 02 quẻ trên.
2/- Tư cách trung ương và cơ sở trung ương.
Tư cách trung ương: HC 1965.
Tư cách chi phái: HC 1997.
ĐIỀU THỨ 2: Hội Thánh Cao Đài đặt địa điểm Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh.
ĐIỀU THỨ 19.- TÒA THÁNH Trung Ương (Tây Ninh) là nguồn gốc khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
ĐIỀU THỨ 27.- Hiến Chương nầy sẽ là Luật căn bản thống nhứt đối với tất cả Chi Phái Cao Đài nào ngày sau chấp nhận và ký tên.


Địa điểm biên soạn HC 1965:
Hiến chương ghi:
Lập tại TÒA THÁNH Trung Ương
Ngày 19 tháng 12 Giáp Thìn
(21.1.1965 dl)
Điều 4: Trụ sở của ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh.









Địa điểm biên soạn HC 1997:
Hiến Chương nầy gồm: Lời Nói Đầu, 09 Chương và 36 Điều, được Đại Hội Đại biểu Cao Đài Tây Ninh họp tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 5-4-1997 biểu quyết nhất trí thông qua.
Phân tích:
a/- Đạo Cao Đài 1926 là gốc nên Hội Thánh Cao Đài có tư cách để viết chữ TRUNG ƯƠNG đối với các chi phái. Nghĩa là Hội Thánh Cao Đài 1926 là trung ương, Tòa Thánh Tây Ninh là trung ương để qui hiệp các chi phái Cao Đài theo điều 27. Hiến chương 1965 nhiều lần xác định tư cách trung ương.
Trên thực tế đã có nhiều cuộc họp của Hội Thánh và các chi phái để qui về Tòa Thánh Tây Ninh. Một số chi phái đã qui hiệp về Tòa Thánh.
b/- Hiến chương chi phái 1997: không có điều khoản nào xác định Tòa Thánh Tây Ninh là trung ương đối với các chi phái Cao Đài. Ngay cả địa điểm biên soạn cũng không viết Tòa Thánh là trung ương so với các chi phái khác.
Bản thân họ cũng là một chi phái và ra đời sau nhiều chi phái khác. Đồng thời chi phái 1997 cũng đã cướp Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài 1926, tiếm danh ĐĐTKPĐ. Các chi phái trước kia muốn qui về Tòa Thánh Tây Ninh cũng đã bất hợp tác với chi phái 1997.
LƯU Ý: Về ý nghĩa chữ trung ương của chi phái 1997.
Trung ương theo HC 1997 dùng cho nội bộ, tổ chức giáo hội của chi phái 1997.
Hiến chương 1997 tại Chương III: Hệ thống tổ chức. Điều 11:
Giáo Hội Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh có cơ cấu tổ chức hai cấp:
1- Cấp Trung ương tại Tòa Thánh Tây Ninh là Hội Thánh.
2- Cấp Cơ sở tại các Thánh Thất, Tịnh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu là các Họ Đạo.
Cũng tại chương III. Điều 20:
Ngoài hai cấp: Hội Thánh Trung ương, Họ Đạo cơ sở, còn có Đại diện của HĐCQ Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh:





3/- Độc lập và lệ thuộc.
Cao Đài 1926 độc lập.
Chi phái 1997 lệ thuộc.
1/- Hiến chương 1965.
Hiến chương có 27 điều. Trong đó không có câu chữ nào ghi hoạt động theo khuôn khổ hiến pháp hay luật pháp Việt Nam Cộng Hòa. Cũng không có khỏan nào ghi nếu phạm tội với nhà nước là phạm tội với đạo. Điều nầy thể hiện tính độc lập của Đạo với chính quyền.
Đạo khẳng định tư thế độc lập với chính quyền rằng: phạm tội với chế độ không đồng nghĩa với phạm tội với đạo. Mà còn tùy trường hợp để Hội Thánh xét công nghiệp phi thường cho họ.
Đó là qui định tại Đạo Luật Mậu Dần (1938) trích dẫn sau đây.










1/- Hiến chương 1997 liên tục qui định phải tuân theo pháp luật Việt Nam và trừng phạt thêm những tín đồ bị nhà nước kết tội.
Điều 8: Giáo Hội Cao Đài Tây Ninh hành Đạo trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp luật nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
Điều 20: Ngoài hai cấp: Hội Thánh Trung ương, Họ Đạo cơ sở, còn có Đại diện của HĐCQ Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh:
… quan hệ với chánh quyền, Mặt Trận Tổ Quốc và các Pháp nhân khác ngoài Giáo Hội, ở Tỉnh, Thành phố, để giải quyết những việc Đạo sự cần thiết
Điều 31:Chức sắc, Chức việc và tín đồ nào có hoạt động vi phạm luật nước, làm phương hại đến đại đoàn kết dân tộc và hòa bình, độc lập, thống nhất tổ quốc thì sau khi nhà nước xử phạt theo Pháp luật, Hội Thánh sẽ xử lý nghiêm theo luật đạo.
Điều 32: Chức sắc, Chức việc nào bị mất quyền công dân thì đương nhiên bị mất tư cách Chức sắc, Chức việc. Khi được phục hồi quyền công dân thì sẽ được Hội Thánh xét cho phục hồi tư cách Chức sắc, Chức việc nếu có yêu cầu.
2/- Đạo Luật Mậu Dần 1938.
Đặc biệt là phù hợp với Đạo Luât Mậu Dần (1938). Điều thứ nhất khoản II, mục số 4:
Những vị nào hết tâm vì Đạo mà phải chịu khổ hạnh, hoặc bị tù tội ngục hình, hoặc bị khổ sở tai họa, cũng đặng Hội Thánh cho dự vào sổ cầu phong, ngoài luật định 5 năm công nghiệp.

2/- Vi phạm Đạo Luật Mậu Dần (1938).
Tại điều 34 của Hiến chương 1997 ghi: … bản Tân Luật - Pháp Chánh Truyền - Đạo Luật - Kinh Lễ và Điều Lệ công cử Chức sắc ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh là các văn bản có tính cách nội qui, nội luật điều hành Đạo sự của Giáo Hội ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh và Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.
Các điều trên của HC 1997 mâu thuẩn với Đạo Luật Mậu Dần đã trích dẫn tại Điều thứ nhất khoản II, mục số 4 cạnh bên.

4/- Hiệp Thiên Đài xác định chi phái 1997.
Cơ quan Hiệp Thiên Đài nắm quyền tư pháp trong hành chánh tôn giáo của Đạo Cao Đài 1926. Đó là tiếng nói của pháp luật đạo. HTĐ có công văn xác định rõ tư cách của chi phái 1997 là bàng môn tả đạo.
4.1/- Cơ quan Hiệp Thiên Đài ra thông báo ngày 26. 11. 2015.
Trang 02 viết:
Trang 03 viết:
4.2/- Kiến nghị ngày 15. 09. 2017.
Tại trang 10 viết:
Trang 12 viết:
5/- Hiến chương 1997 tráo trở ngay từ lời nói đầu.
HC 1997 có Lời nói đầu tại dòng 1 & 2 viết:
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là Đạo Cao Đài, là một Tôn giáo được sáng lập vào năm Bính Dần (1926) tại nước Việt Nam, chọn Tây Ninh làm Thánh Địa.
Tại dòng 12 – 14 viết:
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh là tổ chức Giáo Hội duy nhứt lãnh đạo tinh thần Chức sắc, Chức việc, tín đồ Cao Đài Tây Ninh và chịu trách nhiệm trước Pháp luật nhà nước về mọi mặt quan hệ với các Pháp nhân.
Từ danh hiệu 06 chữ của Đạo Cao Đài 1926, chi phái 1997 tráo sang danh hiệu 10 chữ để mạo nhận.
(Còn tiếp):
II/- Nguồn gốc và thời điểm lập thành.








Trương Nhân Tuấn: Mùng một tết năm Mậu Tuất 2018. Viết cho những oan hồn Huế 1968. Để “thiết lập lại sự thật” nhằm “giải oan cho cuộc bể dâu này”!
Bút ký của Bác Sĩ Alje Vannema, người gốc Hòa Lan, có mặt tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, sau 50 năm đã trở thành “tài liệu lịch sử”, nếu không nói là “bằng chứng lịch sử”. Thông lệ giới hàn lâm học thuật, cũng như qui ước quốc tế về những “hồ sơ mật quốc gia”, thời gian công bố các các hồ sơ xếp vào diện “mật” là 30 năm. 50 năm cho các hồ sơ ”tối mật”. Tức là, trên “nguyên tắc”, các “bí mật” về cuộc “tấn công và nổi dậy” tết Mậu Thân 1968 đã được phải “bạch hóa”.
Bác sĩ Alje Vannema không phải là “sử gia” thông thường, tức là những người chỉ viết lại (và phân tích) những sự kiện đã qua. Bác sĩ Alje Vannema vừa là nhân chứng trực tiếp, vừa là “sử gia” ghi chép lại (một cách tường tận và tỉ mỉ) chi tiết các vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế. Tài liệu vì vậy có tầm quan trọng, ngoài giá trị “lịch sử”, nó còn có giá trị của “bằng chứng”.
Tài liệu này được Vintage Press, New York công bố năm 1976, sau đó được báo chí Việt ngữ tại Mỹ trích dịch đăng lại dưới tựa đề : Thảm sát Huế Tết Mậu Thân.
Tài liệu ghi lại, hố chôn tập thể (được phát hiện cho tới thời điểm viết bút ký) gồm có 19 vùng. Căn cước một số nạn nhân, (những người còn nhận diện được), như tên tuổi, xuất xứ… được tác giả ghi chép tỉ mỉ. Đặc biệt tài liệu ghi tên 4 nhân vật có can dự vào cuộc thảm sát, gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh (tài liệu viết là Nguyễn Thị Doan) và Nguyễn Dọc. Riêng hai ông Tường và Xuân, tác giả Alje Vannema khẳng định là mình “biết rõ”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi) và Nguyễn Đắc Xuân. Ảnh: internet
Theo bác sĩ Alje Vannema, Hoàng Phủ Ngọc Tường phụ trách “tòa án” khu vực Tiểu chủng viện. Nguyễn Đắc Xuân phụ trách các “tòa án” khu Gia Hội:
“Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh này tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy Ban Phật Giáo chống chính quyền trước đây.”
Như vậy Hoàng Phủ Ngọc Tường có trách nhiệm ở hố chôn tập thể thứ tư, như đã viết trong tài liệu:
“Vùng chôn thật sự thứ tư nằm sau Tiểu chủng viện, nơi dựng tòa án nhân dân. Hai hầm chứa xác ba người Việt làm việc cho tòa đại sứ Hoa Kỳ, hai xác người Mỹ: ông Miller và ông Gompertz, nhân viên USOM; và xác một giáo sư trung học người Pháp bị giết vì lầm là người Mỹ. Tất cả đều bị trói tay. Xác tìm thấy và liệm ngày 09.02. Xác hai người Mỹ và người Pháp được đưa về Đà Nẵng”.
Về Nguyễn Đắc Xuân, tài liệu viết: “Cầm đầu ở Gia Hội là Nguyễn Đắc Xuân, trước kia là một liên lạc viên cộng sản nay đột nhiên lại xuất hiện”.
Theo tài liệu của bác sĩ A. Vannema, hố chôn tập thể khu Gia Hội được khám phá đầu tiên: “Mồ tập thể được khám phá đầu tiên ở trường trung học quận Gia Hội, nằm bên cạnh khu dân cư. Sở dĩ cư dân gần đó biết được là vì họ nghe tiếng súng và biết ở đó có mở tòa án nhân dân. Một số người sau khi tham dự phiên tòa đầu tiên đã liều trốn và may mắn thoát. Một số khác nhờ bơi qua sông. Trước ngôi trường có tất cả 14 hố gồm 101 tử thi. Sau ba ngày tìm kiếm, người ta khám phá thêm một số hố rải rác trước, sau và bên hông trường, nâng tổng số tử thi lên 203, gồm xác thanh niên, người già và phụ nữ”.
Nếu chỉ ngừng ở các chi tiết này, Nguyễn Đắc Xuân chịu trách nhiệm giết 203 người Việt, gồm “thanh niên, người già và phụ nữ”, trong đó có 18 sinh viên.
Tài liệu cũng ghi các Tòa án trong thành do hai sinh viên Nguyễn Đọc và Nguyễn Thị Đoan điều khiển. Nhưng theo tài liệu của các học giả người Việt, như các ông Liên Thành hay Lữ Giang, tất cả các phiên tòa trong nội thành đều do hai ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân đảm trách.
Tài liệu của ông Liên Thành đặc biệt có giá trị. Vì ông cũng là một “nhân chứng quan trọng”. Ông nguyên là Thiếu tá, giám đốc ty cảnh sát Huế thời đó. Tức là ông Liên Thành là một người không chỉ “biết”, mà còn là người “trong cuộc”.
Theo tác giả A Vannema, “Các phiên tòa vang lên những lời đe dọa với khẩu hiệu tuyên truyền, kết tội, qui chụp. Hầu hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do mình bị bắt. Nhưng tất cả đều bị kết tội, một số bị tử hình tức khắc.”
Theo tài liệu của nhân chứng, bác sĩ A. Vannema, Hoàng Phủ Ngọc Tường chịu trách nhiệm, ngoài cái chết những người VN, còn có (ít nhứt) cái chết của hai người Mỹ và một người Pháp, tại “tòa án” khu vực Tiểu chủng viện.
Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa rồi có công bố lá thơ “sám hối”, có tên “lời cuối cho câu chuyện quá buồn”, qua trang facebook nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Theo lá thơ, HPN Tường khẳng định “Mậu Thân 1968 tôi không về Huế”.
Điều ghi nhận đầu tiên, 50 năm sau, HPN Tường nhìn nhận thảm sát Huế “là có thật”. Dẫn: “với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng”. Hết dẫn.
Việc này hết sức cần thiết, và là “điểm son” cho ông Tường.
Ông Tường “lên án” vụ thảm sát “là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng”.
Ông Tường nhìn nhận các “hành động giết oan” tại Huế, Tết năm Mậu thân 1968, là do “quân nổi dậy trên mặt trận Huế”.
Lời thú tội đã xóa bỏ tất cả những gì mà các thế hệ VN lớn lên sau này học ở nền giáo dục tuyên truyền láo khoét. Tội ác Mậu Thân 1968 là do “quân nổi dậy” gây ra, chớ không phải do Mỹ, Ngụy, như trường học thầy giáo lâu nay giảng dạy.
“Quân nổi dậy” ở đây là những ai? Ai chỉ huy đạo quân “nổi dậy” này?
Và ông HPN Tường có “nói hết sự thật” trong lá thơ “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” hay không?
Về vụ “thảm sát Huế”, các tài liệu chính thức đã công bố, hay những nhân chứng thuộc “phe thắng cuộc”, không ngoại lệ đều cho rằng vụ thảm sát Huế 1968 là có thật. Tất cả đều biểu lộ sự hối tiếc đồng thời qui trách nhiệm cho chính sách của “trung ương”.
Tức là ông Tường chỉ nói “sự thật” ở cái mà mọi người đều biết: thảm sát Mậu Thân là do phe “cách mạng” gây ra (chớ không phải do Mỹ Ngụy gây ra).
Điều này không ăn nhập gì tới việc ông Tường “không có mặt tại Huế”.
Trong thơ ông có nhắc lại vụ máy bay Mỹ bỏ bom ”thảm sát bịnh viện nhỏ ở Đông Ba”.
Dẫn: “Đặc biệt, khi kể chuyện máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viên nhỏ ở Đông Ba chết 200 người, tôi đã nói: ‘Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu …Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra …’. Chi tiết đó không sai, sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi, mà là tôi nghe những người bạn kể lại. Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi”. Hết dẫn.
Khi thú nhận mình “tôi là kẻ mạo nhận”, “một sự việc đáng xấu hổ”, ông Tường đã nhìn nhận mình “nói láo” với dư luận từ 1981 đến nay. Đây là cái “nói láo” thứ nhứt.
Năm 1981 ông khẳng định qua bài phỏng vấn truyền hình của đạo diễn Burchett rằng “chúng tôi”, tức gồm có ông Tường, có mặt ở Huế.
Lá thơ gọi là “lời cuối” của ông Tường thú thận rằng “chúng tôi” đó chỉ là “mạo nhận”.
Dẫn: “Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi.”
Mục đích việc thú nhận nhằm chứng minh ông ta không có mặt tại Huế.
Nhưng trong lá thơ ông Tường lại tiếp tục “nói láo”.
Bởi vì nhân chứng nhiều người đã lên tiếng. Những người ở Huế, qua các bài viết, hay tư cách nhân chứng. Tất cả đều cho rằng không hề hiện hữu cái “bịnh viện nhỏ” nào ở Đông Ba hết cả.
Bịnh viện nhỏ ở Đông Ba không hề hiện hữu. Vậy thì làm gì có việc “máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viên nhỏ ở Đông Ba chết 200 người”?
Vụ Mỹ thảm sát 200 người ở một bịnh viện Đông Ba, vụ này không khác vụ Mỹ Lai, lớn lao ở tầm “tội ác diệt chủng”, tại sao không có tài liệu, báo chí nào nước ngoài đề cập tới?
Thời đó báo chí nước ngoài (đói tin), chỉ đặc biệt chú ý tới tấm hình tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết tên đặc công Bảy Lớp. Không bài báo nào nói về “thảm sát 200 người ở bịnh viện Đông Ba”.
Ông Tường tiếp tục nói láo, bịa đặt, như đã liên tục từ 50 năm qua.
Qua lá thơ, ông Tường tiếp tục “khẳng định” lại một sự việc láo khoét, vụ “thảm sát bịnh viện Đông Ba”, trong vụ phỏng vấn của ông Burchett.
Ta có thể lý giải việc này ra sao?
Nếu ta có xem video phỏng vấn HPN Tường 1981, ta không thể quên cái “liếm mép” huyền thoại của ông Tường, cũng như thái độ ngạo mạn, xấc xược trong những câu trả lời của ông đối với phóng viên.
Theo các nhà khoa học về “criminologie – phân tích tội ác”, cử chỉ “liếm mép” trước khi trả lời thường là dấu hiệu báo trước một lời “trả đũa”. Phần nhiều không nói sự thật.
Thật vậy, ta thấy ông Tường tỏ vẻ vừa cay cú, vừa bất an, khi phóng viên hỏi về “thảm sát Mậu Thân”. Bởi vì phóng viên biết rõ ông Tường là thủ phạm giết (ít nhứt) hai người Mỹ và một người Pháp tại “tòa” Tiểu chủng viện.
Cái “liếm mép” của ông Tường, sau đó với thái độ xấc xược mà mọi người đã thấy trong Video, ông Tường “đốp chát” với phóng viên, trả lời “một tội ác” bằng một tội ác (dội bom bịnh viện Đông Ba của Mỹ).
Vụ dội bom bịnh viện Đông Ba là chuyện bịa đặt của ông Tường trong lúc nhứt thời. Vì địa danh “bịnh viện Đông Ba” làm gì có?
Ông Tường đã tạo dựng một chuyện tội ác của Mỹ để (gián tiếp) bào chữa cho tội ác (của mình) và quân cách mạng.
Điểm này không khác vụ ông Nhứt Hạnh tố cáo Mỹ bỏ bom giết chết 300.000 người dân ở Bến Tre! (Dân Bến tre thời đó chưa tới 100.000, lấy đâu ra con số người chết 300.000?)
Ông Tường là một “chuyên gia” nói láo.
Nói láo liên tục từ 1981 đến nay. Bây giờ thú nhận mình nói láo thì đã trễ tràng. Điều này chỉ khẳng định mình đã nói láo.
Bây giờ qua lá thơ “lời cuối”, ông Tường tiếp tục nói láo.
Khẳng định một sự kiện không có thật (vụ Mỹ bỏ bom chết 200 người ở bịnh viện nhỏ ở Đông Ba) là nói láo trên cả nói láo.
Ông Tường làm sao có thể phản biện được chứng cứ của Bác sĩ A. Vannema. Bởi vì BS Vannema là “nhân chứng”, người “biết rõ ông Tường và ông Xuân”.
Danh sách “đồ tể” ở Huế chắc phải dài lắm. Tại sao Bác sĩ A. Vannema chỉ ghi có 4 tên, trong đó có ông Tường và ông Xuân mà không ghi những tên khác?
Đơn giản vì bác sĩ A. Vannema “biết rõ” hai ông này!
Một lần bất tín vạn sự chẳng tin. Ông Tường, qua lá thơ “lời cuối”, lại tiếp tục nói dối.
Làm gì có chuyện “đường hẻm lầy lội toàn là máu”. Làm gì có bịnh viện nhỏ ở Đông Ba. Làm gì có vụ Mỹ bỏ bom giết 200 người ở bịnh viện Đông Ba?
Nhưng nhiều người, như các ông Nguyễn Công Khế, Nguyễn Quang Lập, Hồ Trung Tú, Nguyễn Trung Dân… chỉ “tin” vào lời nói của ông Tường mà không tin ở các nhân chứng, các bằng chứng lịch sử.
Ông Tường bắt buộc phải nói láo, cho đến hết cuộc đời. Bởi vì ông này trách nhiệm đến những cái chết của người Mỹ, người Pháp.
Ông Tường nói ra sự thật, không chỉ cá nhân ông Tường sẽ bị truy tố trước các tòa án ở Mỹ, Pháp. Quan hệ VN với Mỹ, Pháp… vấn đề “tù nhân mất tích” … đều có thể bị Mỹ đặt lại.
Thái độ của các ông Nguyễn Quang Lập, Hồ Trung Tú, Nguyễn Công Khế, Nguyễn Trung Dân vì vậy ta có thể hiểu: ăn cơm chúa phải múa tối ngày.
Như đã nói, thông lệ quốc tế, những hồ sơ mật sau 50 năm thì được công bố. Nhưng hồ sơ Mậu Thân 1968 CSVN không thể công bố. Những bí mật của nó cũng là bằng chứng tố cáo đảng CSVN phạm “tội ác chiến tranh”.
Ông Nguyễn Trung Dân, nhân có một số “comments” về một bài viết của tôi “tội ác Mậu Thân” trên trang facebook của tôi, có viết rằng “Trương Nhân Tuấn là dư luận viên cao cấp” vì đã “hướng dẫn dư luận” vụ thảm sát Mậu Thân.
Các loại phê bình kiểu này tôi đã quen thuộc.
Đảng CSVN đã rầm rộ tổ chức ăn mừng chiến thắng “tổng tấn công và nổi dậy” Mậu thân 1968. Cá nhân tôi, với tư cách “học giả phản động”, biệt hiệu của công an đặt cho, dĩ nhiên tôi “hướng dẫn dư luận” đến “sự thật”, mục đích “thiết lập lại công lý”.
Nếu tôi là “dư luận viên cao cấp”, chắc chắn tôi là “dư luận viên” hướng dẫn dư luận về phía “chân, thiện, mỹ”. Chớ không phải lấp liếm đổi trắng thay đen, biến nạn nhân thành thủ phạm, như những tên “nói láo như vẹm” rẻ tiền.
Riêng ông Hồ Trung Tú, mới đây viết những lời chúc tết đọc qua “té ghế”. Dẫn: “Đừng để tâm mình trụ vào bất cứ định kiến, chuẩn mực, chân lý, đúng sai hay sự thật nào thì tâm không phải chỉ tự do hơn mà còn gần với sự giác ngộ hơn”.
Không hiểu từ vượn lên người mất bao nhiêu triệu năm? Ở VN, người xuống vượn chỉ có 50 năm!
Chỉ trong xã hội loài thú mới không “trụ” vào cái gì.
Xã hội bầy đàn thì không có “chuẩn mực” chi hết. Cũng không có khái niệm về “chân lý”, không biết việc “đúng sai”, không biết cái nào là gian dối, không biết đâu là “sự thật”. Xã hội như vậy lãnh đạo mới “ăn của dân không từ một thứ gì”. Xã hội như vậy ăn cắp không biết xấu hổ. Xã hội như vậy bằng giả là chuyện thường tình. Xã hội như vậy “bản năng” là “chuẩn mực” của cách hành sử giữa người và người.
Ông Hồ Trung Tú binh vực ông Tường qua những comments trên facebook của tôi chưa đủ. Ông tiếp tục bóng gió binh vực ông Tường, đả phá những người khác, bằng “lời giác ngộ” của loài vượn.
Một số comments khi đọc tài liệu của bác sĩ A. Vannema đều than rằng tội ác “không khác chi Khmer đỏ”.
Đúng vậy. 19 hố chôn tập thể được viết lại tỉ mỉ. Người chết bị trói tay sau lưng, bị bịt mắt, bị xỏ xâu, bị chôn sống, bị vật cứng đập vô đầu… Người chết có đàn bà, con nít, là sinh viên học sinh, là tài xế xe ôm…
Dã man nào bằng.
So sánh ta thấy tất cả, từ Khmer đỏ, vụ Mậu Thân 1968 hay diệt chủng người Rohingya ở Miến Điện, ta đều thấy phía sau là “phật tử”, nếu không là nhà tu.
Phật giáo từ bi xuất phát từ Tích Lan, Ấn Độ, loan truyền vào VN, qua ngả nào không cần bàn. Nhưng tuyệt đại dân chúng miền Nam, Phật hay Chúa, đều có tâm “từ bi hỉ xả”. Vấn đề Mậu Thân là “Phật giáo đã bị chính trị hóa”.
Thử tưởng tượng, vụ Mậu Thân, các tỉnh khác cũng có “phật tử mài dao” đông đảo, kiểu ông Tường, ông Xuân… ở Huế, chắc chắn sẽ phải có (rất nhiều) thảm sát – như ở Huế.
Thử tưởng tượng, nếu không có chiến dịch “tổng tấn công và nổi dậy”, thì sau 75 các “phật tử mài dao” kiểu ông Tường, ông Xuân… đã biến miền Nam thành “biển máu”.
So sánh vụ thảm sát Mậu Thân với Khmer đỏ là hoàn toàn đúng đắn. Xui cho bọn “phật tử mài dao” là họ không có “thiên thời và địa lợi” để phạm tội ác như Khmer đỏ.
Có comments thì chê trí thức “đỏ”, ông Tường, ông Xuân… là “hèn”, thua cả bọn khủng bố IS. Bởi vì bọn IS ít ra họ dám làm dám chịu.
Cũng thật là đúng quá!
Mà thử nhìn lại, ở VN lớp trí thức từ lò XHCN xuất thân, người “can đảm” hiếm hoi như “lá mùa thu”.
Đầu năm, mùng một tết Mậu Tuất 2018, viết lại những điều tưởng rằng đã bị chôn vùi từ 50 năm.
Tôi sẽ tiếp tục viết để “giải mã” đâu là sự thật của “chiến thắng” Mậu Thân 1968, “tổng tấn công và nổi dậy”. Bọn “lợn ỉ trung ương” tổ chức ăn mừng “chiến thắng” rầm rộ. Đám dư luận viên rẻ tiền chụp mũ tôi là “dư luận viên hướng dẫn dư luận”. Nhưng không ai trong đám ngu xuẩn này dám đặt vấn đề vì đâu bọn tuyên giáo lại chủ trương bốc c. lên “ăn mừng”?







1/- Hình thể & Tổ chức ĐĐTKPĐ. Trang 01.
2/- Lễ Khánh Thành Thánh Thất Kim Biên: Linh Tâm. Tr 08.
3/- Ngụ đời tt.   Tr 13
4/- Đối chiếu & phân tích Đạo Cao Đài 1926 và Chi phái 1997. Tr 15.
5/- Tội ác Mậu thân: trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân qua tài liệu lịch sử “The Vietcong Massacre at Hue” Tr 20.
HẾT.