Trang

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

2416. CHIẾN TRANH VÌ NGUỒN NƯỚC...


VNTB- Từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông: Sông Mê Công trở thành chiến trường về nước

. Việt Nam Thời Báo.
Global Risk Insights, ngày 26/8/2017


(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) - Trong khi căng thẳng ở Biển Đông có khả năng biến thành xung đột hạn chế ở ngoài biển, sự cạnh tranh về tài nguyên ở dòng sông Mê Công có thể làm cho hàng triệu người có nguy cơ chịu thiên tai, đói nghèo và bất ổn trong khu vực.









Sông Mê Công là nguồn sống cho hàng triệu người của sáu quốc gia, từ Trung Quốc đến Việt Nam. Con sông này là một trong những nơi cung cấp nguồn thủy sản lớn nhất thế giới, với sản lượng hàng năm khoảng 2,6 triệu tấn, trị giá khoảng từ 3,9 tỷ đến 7 tỷ USD. 71% số hộ gia đình nông thôn ở Lào phải dựa vào nghề đánh cá trên sông Mê Công, và 1,2 triệu người Campuchia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á kết nối với dòng sông hùng vĩ này. Hơn nữa, đồng bằng sông Cửu Long là nơi vựa lúa của Việt Nam cung cấp cho hàng chục triệu người và bảo đảm vị thế là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 trên thế giới cho Việt Nam.


Mỗi quốc gia trên sông Mê Công tìm cách khai thác con sông, và mỗi nước than phiền về sự "quá mức" của các nước láng giềng ở thượng lưu. Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đều đã xây dựng 40 con đập trên sông với kế hoạch xây tiếp 80 đập nữa. Các quốc gia ở cuối nguồn phàn nàn về những con đập của các nước láng giềng ở thượng lưu, và Việt Nam quan ngại nhất vì nước này là điểm cuối của con sông trước khi nó chảy vào Thái Bình Dương, và có đồng bằng sông Cửu Long quan trọng và màu mỡ. Khi các quốc gia đua nhau phát triển công nghiệp hóa, họ càng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý dòng sông.


Nhưng một điều mà các quốc gia ở hạ lưu đều đồng ý là Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với tất cả các quốc gia khác cùng chia sẻ dòng sông.




Trung Quốc là người giữ cửa


Sông Mê Công bắt nguồn từ Tây Tạng, một quốc gia mà Trung Quốc đã thôn tính. Do đó, Trung Quốc nắm giữ quyền to lớn đối với số phận của con sông này và của các nước vùng hạ lưu. Công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc và tìm kiếm năng lượng sạch đã biến ​​thủy điện trở thành một trong những nguồn năng lượng lớn nhất của nước này, chỉ đứng sau than. Trung Quốc đã xây dựng bảy đập trên sông Mê Công, với 20 dự án khác sẽ được hoàn thành trong tương lai gần. Do gần như tất cả sự sụt giảm độ cao của sông Mê Kông xảy ra bên trong biên giới của Trung Quốc, thì có nhiều động cơ khuyến khích Bắc Kinh khai thác tiềm năng thủy điện của sông này. Tiềm năng năng lượng ước tính của khu vực thượng lưu sông Mê Công là gần 29,000 MW - nhiều hơn điện sản xuất tại Đập Tam Hiệp, trạm điện lớn nhất thế giới. Tiềm năng thủy điện của khu vực hạ lưu vượt quá 30,000 MW.


Các nước ở vùng hạ lưu từ lâu đã bày tỏ sự lo ngại về mực nước dâng và thất thường cũng như giảm lượng trầm tích bị rửa trôi xuống từ vùng cao của Trung Quốc. Mạng lưới đập thủy điện của Trung Quốc có khả năng lưu trữ 23 tỷ mét khối nước –bằng  28% dòng chảy hàng năm của Mê Công tại biên giới Trung Quốc. Mặc dù nguồn nước được lưu trữ này có thể được sử dụng để bổ sung mực nước ở vùng hạ lưu trong mùa khô và giúp nông nghiệp và hàng hải, những lợi ích này chỉ có thể trở thành hiện thực được nếu mực nước sông có thể dự đoán được. Điều này thường không xảy ra, vì sự xả nước rời rạc xảy ra theo nhu cầu điện và nước của Trung Quốc.


Trung Quốc và các nước khác vùng hạ lưu đang phải đối mặt với những vấn đề sinh thái nghiêm trọng từ các dự án xây dựng đập của họ, nhưng thậm chí những hậu quả tồi tệ hơn do không chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tình hình của Việt Nam làm nổi bật tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, vì đất nước bị hạn hán và lũ lụt. Hạn hán là sự kết hợp giữa việc giảm lưu lượng dòng chảy bởi các đập và biến đổi khí hậu. Campuchia cũng phải đối mặt với một vấn đề tương tự: 640,000 mẫu rừng ngập mặn đã bị đã bị cháy vào năm 2016. Ngân hàng Thế giới đã xác định Việt Nam là một trong năm quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Ngay cả kịch bản phát thải thấp thuận lợi nhất sẽ làm cho GDP của Việt Nam giảm 20.8 tỉ USD vào năm 2030: đến năm 2100, một nửa đồng bằng sông Cửu Long được cho là sẽ bị ngập dưới nước biển.


Việt Nam thậm chí đã phải yêu cầu Trung Quốc xả nước để chống hạn hán, vì ngành nông nghiệp và lâm nghiệp chỉ tăng 1,36% vào năm 2016: mức thấp nhất kể từ năm 2011. Đáp lại, Trung Quốc đã xả nước ở trạm thủy điện Jinghong trong một tháng để giúp Hà Nội.


Việc phải nhờ vả ​​Trung Quốc theo cách như vậy rõ ràng làm Việt Nam khó chịu, và Bắc Kinh đã nhanh chóng đổ lỗi cho tình trạng thiếu nước do các nguyên nhân tự nhiên như El Nino năm 2016 chứ không phải do các đập ở thượng nguồn. Tình trạng này cũng cho phép Trung Quốc giành được quyền lực mềm. "Để giúp các nước đối phó với hạn hán, chính phủ Trung Quốc đã quyết định vượt qua những khó khăn mà nó phải đối mặt và nỗ lực hết mình để giúp đỡ", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Lục Khang nói. Những kiểu hung biện này sơn phết Trung Quốc thành một quốc gia rộng lượng, mặc dù chính các dự án thủy điện là nguyên nhân chính gây ra những hậu quả mà các nước ở hạ lưu đang phải gánh chịu.


Trung Quốc có quan điểm không rõ ràng về quản lý nước, là một trong ba quốc gia bỏ phiếu chống lại Công ước về Nguồn nước của Liên Hợp quốc vào năm 1997. Trung Quốc đã tạo ra khu bảo tồn thiên nhiên Sanjiangyuan ở tỉnh Thanh Hải ở đầu nguồn sông Mê Công. Các khu bảo vệ khác và một số địa điểm của UNESCO cũng xuất hiện dọc theo con sông này ở Trung Quốc, tuy nhiên đây không phải là những dấu hiệu chứng tỏ sự bền vững về môi trường do quy mô hoạt động của Trung Quốc trên sông Mê Công.




Khai thác sông và khai thác cát


Trong nỗ lực xây dựng Một vành đai-Một con đường, Bắc Kinh đang tìm cách khai thác sông Mê Công để tạo ra tuyến đường thủy 890 km từ Simao, Vân Nam đến Luang Prabang ở Lào vào năm 2020. Trung Quốc muốn cho phép các tàu chở hàng 500 tấn đi theo con sông. Một kế hoạch tương tự do Thái Lan lập xây dựng đã bị đình chỉ vào năm 2003 sau khi báo cáo đánh giá tác động coi dự án "hoàn toàn sai lầm". Thái Lan từ đó đã ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc. Chuyến tàu thuyền đầu tiên của khách du lịch Trung Quốc vào Thái Lan bằng sông Mê Công đã tới  vào tháng Năm, cùng với 180 thành viên của báo chí.


Nhu cầu về cát của Trung Quốc đã bùng nổ trong những năm gần đây: Trung Quốc đã sử dụng lượng bê tong trong giai đoạn 2013-2017 nhiều hơn so với lượng Hoa Kỳ đã sử dụng trong cả thế kỷ 20. Với nhu cầu vượt quá cung, các công ty Trung Quốc tìm kiếm các con sông để khai thác cát. Khai thác cát trái phép trở thành một vấn đề nghiêm trọng, theo gót những hoạt động hợp pháp này. Sau những thiệt hại to lớn, Trung Quốc đã cấm khai thác cát dọc theo sông Dương Tử vào năm 2000, nhưng các thợ khai thác chỉ đơn giản là di dời.
Những thiệt hại gây ra cho sông Dương Tử là một cảnh báo nghiêm trọng đối với Trung Quốc, quốc gia cho phép khai thác cát dọc theo thượng lưu sông Mê Công, và các nước vùng hạ lưu. Số lượng cát và trầm tích có sẵn ở hạ lưu sẽ chỉ tiếp tục giảm dần khi lượng vật chất đến từ Tây Tạng giảm đi, do vấp phải hàng chục thủy điện của Trung Quốc. Các quốc gia vùng hạ lưu cũng tham gia khai thác cát không bền vững với 50 triệu tấn khai thác trong năm 2011, vượt xa lượng cát mà hệ thống sông có thể sản xuất.


Với việc ít trầm tích vào Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn màu mỡ và đối mặt với sự xói mòn.




Cuộc chiến về lãnh đạo khu vực


Sự nguy hiểm đối với các nước ở hạ lưu là do chính sách ưu tiên ổn định nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc đối mặt với sự mất an toàn về nước, với mức nước ngọt nội địa giảm một nửa từ những năm 1960 do tăng dân số và công nghiệp hóa. Hiện nay, nước ngọt của mỗi người ở Trung Quốc chỉ bằng 1/3 mức trung bình toàn cầu.


Bất kỳ tình trạng thiếu nước thực (hoặc tiềm năng) sẽ cho thấy Trung Quốc sử dụng quyền kiểm soát đầu nguồn sông Mê Công để giữ lại nhiều nước hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu riêng của mình, do đó gây nguy hiểm cho các nước vùng hạ lưu. Các quốc gia vùng hạ lưu không có phương cách gì để chống lại việc độc quyền nguồn nước của Trung Quốc ở sông Mê Công, trừ đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế.


Với thái độ thờ ơ của Trung Quốc đối với các tổ chức quốc tế mà Bắc Kinh không đồng ý - chẳng hạn như Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển – thì các tổ chức khu vực trở thành diễn đàn cuối cùng. Vấn đề ở đây là số lượng các tổ chức chồng chéo nhau. Ví dụ, Trung Quốc không phải là thành viên đầy đủ của Uỷ ban Sông Mê Công, một tổ chức không thể hy vọng đạt được sự đồng thuận mà không bao gồm Trung Quốc, và đã bị tê liệt bởi những bất đồng giữa các thành viên khác trong nhiều năm.


Sau đó, có Sáng kiến ​​Vùng Hạ lưu sông Mê Công (LMI) do Hoa Kỳ đỡ đầu, không bao gồm Trung Quốc: vấn đề ở đây cũng thế. Hơn nữa, sự cắt giảm đáng kể viện trợ nước ngoài theo kế hoạch của chính quyền Trump năm 2018 sẽ ảnh hưởng đến quyền lực mềm của Mỹ, đặc biệt ở Campuchia. Viện trợ của Hoa Kỳ cho Campuchia có thể giảm 70%, phần lớn dành cho các dự án về môi trường và bền vững. Thật vậy, đập đầu tiên của Campuchia trên sông Meê Công có thể đe doạ môi trường sống của cá heo. Việc thoái lui của Mỹ chỉ đưa Campuchia vào quỹ đạo của Trung Quốc khi nền kinh tế của đất nước này đã bị phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc.


"Tôi nghĩ có lẽ là tác động lớn nhất đối với môi trường ở Campuchia (do chuyển đổi sang Trung Quốc sẽ là [...] sự thiếu minh bạch xung quanh các dự án", Courtney Weatherby từ Trung tâm Nghiên cứu Stimson ở Washington nói. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia đã tăng lên trong nhiều năm qua, sau đó trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN, và đưa ra những biểu quyết chống lại những động thái được coi là bất lợi đối với Trung Quốc.


Lào cũng ở vị trí tương tự, nơi mà Việt Nam và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng. Trung Quốc đã vượt qua Việt Nam như là nhà đầu tư lớn nhất ở Lào, với bảy đập được Trung Quốc tài trợ trên sông Mê Công, những dự án đã làm cho Việt Nam tức giận. Trung Quốc cũng đang xây dựng một tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD kết nối miền nam Trung Quốc với Lào. Quy mô của dự án - chiếm gần 50% GDP của Lào – là bước đột phá trong quan hệ song phương. Đối mặt với một dòng tiền như vậy, các nước như Lào phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn nếu họ muốn Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán song phương để phát triển kinh tế.


Tuy nhiên, Lào đã cấm việc phát triển các đồn điền chuối mới – những dự án được bơm tiền từ Trung Quốc - sau khi hóa chất được sử dụng trong dự án gây ô nhiễm nguồn nước địa phương. Hơn nữa, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã đặt câu hỏi về chiến lược phát triển thủy điện của nước này: "Nếu Lào là nguồn' pin của châu Á, điều này có thể là quá tham vọng", ông Thongloun nói.


Năm 2016 đã chứng kiến ​​sự ra đời của một tổ chức khu vực khác là Cơ chế Hợp tác Langcang – Mê Công (LMCM). Với sự tài trợ mạnh mẽ từ Trung Quốc, tổ chức này là diễn đàn của Bắc Kinh trong khu vực, một tổ chức Bắc Kinh kiểm soát và không chịu ảnh hưởng của Mỹ. "LMI và LMCM phục vụ các mục đích khác nhau," Weatherby ghi nhận. "Khi bạn nhìn vào những tuyên bố từ LMCM, chúng thực sự không khác những gì bạn nghe thấy từ “Một vàng đai, một con đường” của Trung Quốc hay những hoạt động tập trung vào cơ sở hạ tầng lớn khác. Điều này dấy lên quan ngại về sinh thái trong khu vực.


-----------------------------