Trang

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

2417. BÌNH QUYỀN LÀ KHẢ THI, BÌNH ĐẲNG LÀ BẤT KHẢ THI...

"Cần bất bình đẳng để phát triển"
Bryan LufkinBBC Future.
01 tháng 8. 2017.
Những người có tất cả và những người không có gì. Những người chiếm 99% dân số. Khoảng cách thu nhập. Sự khác biệt giữa người giàu và nghèo chưa bao giờ được bàn đến nhiều hơn.



Money
Bản quyền hình ảnhOTHER
Theo thống kê thì 1% những người giàu nhất thế giới sở hữu khoảng 50% tổng tài sản trên hành tinh này.
Việc giải quyết sự bất bình đẳng này thường được gọi là 'thách thức khổng lồ' của thế giới. Thế nhưng liệu nhìn nhận vấn đề theo hướng này có đúng không?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng khoảng cách giàu nghèo không phải là vấn đề chính. Họ cho rằng vấn đề chính là sự bất công. Một số người được ưu đãi trong khi một số khác thì ngược lại. Việc ý thức được rằng sự nghèo đói và bất công thường đi đôi với nhau có lẽ là thách thức cần được chú tâm hơn trong Thế kỷ 21.
Trong khi một số ý kiến đang cho rằng khoảng cách thu nhập đại diện cho sự bất công, cần phải phân biệt hai điều này rõ hơn: Để cải thiện xã hội ngày nay, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta cần thống nhất khái niệm về sự bất bình đẳng. Chỉ khi đó các nguồn lực mới được điều động một cách đúng đắn.
Điều gì khiến chúng ta bất an về khoảng cách thu nhập? Do một số người giàu còn một số người lại nghèo? Hay do cơ hội đến với mỗi người không giống nhau? Hay là một điều gì khác?
Trong một nghiên cứu công bố vào tháng Tư năm 2017 trên tạp chí Nature Human Behavior với tên gọi 'Vì sao người ta lại thích một xã hội bất bình đẳng', một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale cho rằng con người - ngay cả từ khi còn nhỏ - đều muốn sống trong một xã hội tồn tại sự bất bình đẳng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi tất cả đều được đối xử như nhau, nhiều người sẽ trở nên khó chịu khi sự lao động chăm chỉ của họ không được đền đáp tương xứng, hoặc những người lười biếng lại được trả công cao hơn mức đáng được nhận.
Getty Images

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Trong một ví dụ từ một nghiên cứu khác, một nhóm trẻ em từ 6 đến 8 tuổi đã được giao nhiệm vụ chia gôm cho hai bé trai để thưởng cho việc hai bé này vừa dọn dẹp phòng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nếu họ nói với nhóm trao phần thưởng rằng cả hai bé trai kia đều làm tốt, nhưng nhóm này lại được giao một số gôm lẻ, cả nhóm sẽ quyết định vứt cục gôm thừa đi, thay vì trao cho một trong hai bé trai nhiều gôm hơn, vì cho rằng như thế là không công bằng.
Ngược lại, khi các nhà nghiên cứu nói với nhóm trao phần thưởng rằng một trong hai bé trai đã dọn dẹp chăm chỉ hơn, nhóm này sẽ trao nhiều gôm hơn cho bé trai chăm chỉ hơn.
"Chúng ta quan niệm sai lầm rằng xã hội có cái nhìn tiêu cực về sự bất bình đẳng, trong khi cái mà người ta thực sự quan tâm là sự bất công," Christina Starmans, một nhà nghiên cứu tham gia vào dự án tại Đại học Yale, nói.
Khi tất cả đều được đối xử như nhau, nhiều người sẽ trở nên khó chịu khi sự lao động chăm chỉ của họ không được đền đáp tương xứng, hoặc những người lười biếng lại được trả công cao hơn mức đáng được nhận.
"Ở nước Mỹ và phần lớn thế giới ngày nay, cả hai vấn đề này bị gộp chung vào nhau, bởi vì có quá nhiều sự bất bình đẳng đến nỗi người ta cho rằng điều đó hẳn là bất công. Thế nhưng điều này lại khiến chúng ta tập trung một cách sai lầm vào vấn đề khoảng cách thu nhập thay vì vấn đề công bằng."
Đồng tác giả cuốn sách của Starman, Mark Sheskin, tóm gọn kết quả nghiên cứu: "Con người ta thường thích sự bất bình đẳng công bằng hơn là sự bình đẳng bất công."
Điều này quan trọng bởi vì việc kiến tạo một thế giới không có khoảng cách thu nhập sẽ đi ngược lại với khái niệm của con người về sự công bằng, và điều này có thể sẽ dẫn đến bất ổn. Một xã hội không tồn tại nghèo đói nghe thì có vẻ lý tưởng, nhưng nếu đó là một xã hội bình đẳng nhưng bất công thì nó sẽ có nguy cơ sụp đổ, Nicholas Bloom, giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford, nhận định.
"Con người ta thường không làm việc, sáng tạo hoặc vươn lên nếu không có động lực," Bloom nói. "Nếu tôi là một hoạ sỹ, nha sỹ hoặc thợ xây dựng, vì sao tôi phải làm việc 50 tiếng một tuần nếu tất cả mọi thứ tôi nhận được đều miễn phí? Từ kinh nghiệm của bản thân trong ngành quản trị, tôi nhận thấy con người ta thường tỏ ra bất bình khi những người lười biếng được trả thù lao tương đương với những người chăm chỉ. Khi bạn vận hành một tổ chức lớn, đó là điều dễ gây khó chịu cho đội ngũ nhất."
Làm sao để định nghĩa sự bất bình đẳng?
Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta cần thống nhất về khái niệm 'bất bình đẳng'.
Chúng ta cần ghi nhớ rằng ngày nay đang tồn tại 3 khái niệm riêng lẻ nhưng lại liên quan nhau về sự bất bình đẳng.
Khái niệm đầu tiên đó là tất cả mọi người cần có sự bình đẳng trong xã hội, bất chấp nền tảng xuất thân, chủng tộc, giới tính…
Khái niệm thứ hai đó là sự phân bổ đồng đều, có nghĩa là mọi lợi ích hoặc phần thưởng cần được phân bổ một cách công bằng dựa trên công sức bỏ ra.
Khái niệm cuối cùng đó là con người ta cần được trả công giống nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hiểu và chấp nhận khái niệm cuối cùng này không phải dễ. Nhiều chuyên gia mà BBC Future đã phỏng vấn đã đề cập đến thuật ngữ 'bất bình đẳng về thù lao': Ví dụ như khi bạn được cho 5 bảng và bạn của bạn được cho 10 bảng. Điều này đại diện cho sự bất bình đẳng về thù lao, vì cả hai người nhận được hai khoản tiền khác nhau, bất chấp hoàn cảnh dẫn đến sự khác biệt này.
Getty Images

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Mỗi khái niệm đại diện cho một dạng bất bình đẳng vốn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và đóng góp cho xu hướng mà nhiều người gọi là 'bất bình đẳng kinh tế'. Việc ý thức được về những khái niệm khác nhau này sẽ giúp chúng ta có kế hoạch đúng đắn để giải quyết sự bất bình đẳng.
Vậy khái niệm bất bình đẳng nào cần được giải quyết? Khái niệm nào giúp cho xã hội trở nên tốt hơn?
Vấn đề thực sự
Nhiều nhà nghiên cứu và kinh tế gia được phỏng vấn trong bài viết này đồng ý rằng quá nhiều sự chú ý đang tập trung vào sự tồn tại của những người siêu giàu, thường được gọi là những kẻ 1%.
Thay vào đó, họ cho rằng cần tập trung vào những người kém may mắn hơn - vốn không thể tự cải thiện hoàn cảnh của mình do sự thiếu công bằng trong xã hội.
Harry G Frankfurt là một giáo sư về triết học tại Đại học Princeton. Trong cuốn sách 'On Inequality' của mình, ông cho rằng chúng ta cần tìm cách xoá bỏ đói nghèo thay vì tìm cách đạt được sự bình đẳng, và tìm kiếm những giải pháp nhằm cải thiện đời sống của tất cả mọi người.
"Tôi cho rằng người ta sẽ dễ đồng cảm với những người đang sống trong cảnh đói nghèo," Frankfurt nói. "Điều này có thể sẽ tạo được sự ủng hộ đối với những chính sách cần thiết để trợ giúp cho những người đang hứng chịu hậu quả của đói nghèo."
Vấn đề bất bình đẳng kinh tế là một vấn đề rất rộng và phức tạp. Nó là sản phẩm của những yếu tố liên quan đến văn hoá và chính trị trên toàn cầu, hình thành qua một quá trình lịch sử dài.
Tuy nhiên, việc ý thức được những khái niệm khác nhau của sự bất bình đẳng sẽ giúp ta hiểu rằng không phải ai cũng có cơ hội thành công giống nhau, dù đã nỗ lực hết mình.
Cách thức giải quyết sự bất bình đẳng của mỗi người có thể khác nhau, tuỳ vào quan điểm chính trị. Phe cánh tả có thể cổ suý cho hệ thống chăm sóc y tế phổ quát, trong khi phe cánh hữu có thể ủng hộ cho nỗ lực tạo việc làm cho những lao động thu nhập thấp.
Dù kế hoạch của bộ máy chính trị là gì đi nữa, các chuyên gia cũng cho rằng giải pháp thực sự sẽ phụ thuộc vào việc thừa nhận sự tồn tại của nghèo đói và bất công.

"Chúng ta cần hướng các cuộc thảo luận cũng như các nghiên cứu ra xa khỏi sự bất bình đẳng," Starmans nói. "Thay vào đó, chúng ta cần tập trung hơn vào sự bất công cũng như sự nghèo đói, vốn là những vấn đề mang tính cốt lõi."