Trang

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

3201. 2 báo cáo viên đặc biệt của LHQ yều cầu chính quyền Việt Nam giải trình


LHQ: Việt Nam sách nhiễu nhiều người tham gia hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo năm 2019
  • 2 báo cáo viên đặc biệt của LHQ yều cầu chính quyền Việt Nam giải trình
Mạch Sống, ngày 29 tháng 6, 2020
 
 
Hôm nay, LHQ công bố văn thư mà 2 Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ gửi cho chính phủ Việt Nam ngày 30 tháng 4, 2020 về các hành vi hăm doạ, sách nhiễu, và đàn áp nhiều người vì họ có ý định hoặc đã tham gia một hội nghị quốc tế ở Thái Lan có sự hiện diện của giới chức LHQ.
 
Văn thư này, do Báo Cáo Viên Đặc Biệt về tự do tôn giáo hay niềm tin và Báo Cáo Viên Đặc Biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền đứng tên, yêu cầu Việt Nam trả lời về các hành vi "hăm doạ, sách nhiễu, cấm xuất cảnh, theo dõi và sử dụng bạo lực đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập và những người bảo vệ nhân quyền vì họ tìm cách tham gia hoặc đã tham gia hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin khu vực Đông Nam Á năm 2019, diễn ra ở Bangkok (Thái Lan)".
 
Nội dung của văn thư dựa trên các báo cáo từ chính các nạn nhân, do tổ chức BPSOS thu thập, phiên dịch và chuyển đến các cơ quan của LHQ.
 
Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, SEAFORB Conference) là sự kiện hàng năm được tổ chức luân phiên tại các quốc gia Đông Nam Á.  
 
  
Các giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu cùng với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ Sam Brownback, Bangkok, Thái Lan, ngày 3 tháng 11, 2019 (ảnh BPSOS)
 
"Năm 2019 là lần thứ 5 mà BPSOS đồng tổ chức sự kiện quốc tế này và năm nào cu~ng xảy ra tình trạng ngăn cản, hăm doạ, sách nhiễu hay trả thù đối với một số tham dự viên đến từ Việt Nam," Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS. "Năm 2019 tình trạng này trầm trọng hơn mọi năm."
 
Theo Ts. Thắng, tổ chức của ông luôn luôn theo dõi và ghi nhận các động thái từ phía chính quyền Việt Nam trước, trong khi và sau hội nghị đối với những người có ý định hoặc đã thực thụ tham gia hội nghị.
 
"Trong 5 năm qua, chúng tôi đã đào tạo khoảng 2 nghìn người thuộc các cộng đồng khác nhau về viết báo cáo vi phạm", Ts. Thắng giải thích. "Đối với hội nghị năm ngoái chúng tôi huy động vài chục người trong số này để theo sát từng trường hợp vi phạm và nhanh chóng làm báo cáo."  
 
Các trường hợp được nêu trong văn thư bao gồm:
 
(1) Các tín đồ Cao Đài đã bị ngăn cản không cho tham dự hội nghị: Bà Nguyễn Xuân Mai, Ông Phạm Tấn Hoàng Hải, Ông Nguyễn Văn Thiệt, Ông Trần Ngọc Sương và Bà Lương Thị Nở. Họ là những người đã từng tham dự một hay nhiều hội nghị SEAFORB từ năm 2015 đến năm 2018. Có người bị công an đến nhà ra lệnh cấm tham gia và có người đã bị chặn ở cửa khẩu và bắt phải quay về.
 
(2) Các giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu đã bị chặn tại phi trường Đà Nẵng khi họ trở về từ Thái Lan: Ông Huỳnh Ngọc Trường, Cô Nguyễn Thị Hoài Phương, Cô Nguyễn Phạm Thuý Ái và Cô Ngô Thị Liên. Họ bị tách riêng ra mỗi người một phòng và bị thẩm vấn trong 2 tiếng đồng hồ. Họ bị vặn hỏi về thành phần tham dự, thành phần ban tổ chức, ai tài trợ chuyến đi của họ... Công an cáo buộc rằng họ tham gia một hội nghị phi pháp do một tổ chức phản động tổ chức để nói xấu chính quyền. Qua tuần sau, chính quyền địa phương đã huy động công an hộ tống các xe ủi đất đến giật sập 15 căn hộ của các giáo dân ở Giáo Xứ Cồn Dầu, trong đó có nhà của các người kể trên. Ông Trường và Cô Hoài Phương, sợ bị bắt, đã phải chạy thoát ra khỏi Giáo Xứ Cồn Dầu và ẩn náu ở nơi khác. Ông Trường sau đó đã bị chặn bắt tại cửa khẩu ở Lao Bảo khi định sang Lào; ông đã bị đánh đập, tịch thu máy điện thoại và bắt nộp phạt 4 triệu VND mặc dù ông có hộ chiếu hợp lệ để xuất cảnh.  
 
(3) Thượng Toạ Thích Thiện Phúc, đi cùng đoàn giáo dân Cồn Dầu, cu~ng bị chặn tại phi trường và đưa vào phòng riêng thẩm vấn với những câu hỏi và cáo buộc tương tự. Thương Toạ Thích Thiện Phúc trước đây trú trì Chùa An Cư ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Chùa này bị chính quyền đập nát vào tháng 9 năm 2018.
 
(4) Tín đồ Tin Lành người Tây Nguyên Nay Y Ní bị gọi lên đồn công an vài ngày sau khi trở về từ hội nghị SEAFORB. Công an đã vào lục soát nơi ở của Ông Ní ở Bình Dương. Qua tuần sau, do áp của công an, bệnh viện nơi Ông làm việc đã sa thải Ông.
 
(5) 2 trường hợp bị cấm xuất cảnh dù không liên quan đến hội nghị SEAFORB: Ngày 20 tháng 11, LM Nguyễn Đình Thục đã bị cấm xuất cảnh khi lên đường sang Tokyo để chào đón Đức Giáo Hoàng trong chuyến công du Nhật Bản. Văn thư cho biết LM Thục là một người bảo vệ nhân quyền và đã từng báo cáo các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam với LHQ. Ngày 30 tháng 11, Ông Trần Quốc Tiến, tín đồ Cao Đài chân truyền, đã bị cấm xuất cảnh sang Úc để dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái - Ông Tiến đã dự hội nghị SEAFORB năm 2015, cu~ng ở Thái Lan.  
 
  
 
Thượng Toạ Thích Thiện Phúc và Thượng Toạ Thích Vĩnh Phước cùng với Uỷ Viên Kristina Arriaga của Uỷ Hội Hoà Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 4 tháng 11, 2019 (ảnh BPSOS)
 
Cuối văn thư, 2 vị báo cáo viên đặc biệt của LHQ đưa ra 7 yêu cầu cho chính quyền Việt Nam:
 
(1) Bình luận về các cáo buộc được ghi trong văn thư.
(2)Giải thích tại sao các cá nhân tham gia hội nghị quốc tế lại bị thẩm vấn, và giải trình sự phù hợp của hành vi thẩm vấn này chiếu theo Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR).
(3)Cho biết căn cứ thực tế và pháp lý nào để chặn bắt Ông Huỳnh Ngọc Trường ở Lao Bảo, và cho biết là đã có mở cuộc điều tra về sự bạo hành nhắm vào Ông ấy.
(4)Cho biết căn cứ thực tế và pháp lý đằng sau vụ ủi sập 15 căn hộ của các giáo dân Cồn Dầu và chứng minh rằng hành vi này không phải là sự phân biệt đối xử đối với một cộng đồng tôn giáo.
(5)Mô tả các biện pháp mà chính quyền Việt Nam đã thực hiện để bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay niềm tin chiếu theo Điều 18 của ICCPR.
(6)Cung cấp căn cứ pháp lý cho việc theo dõi, tra khảo và cấm xuất cảnh đối với tất cả những ngưởi đã tham gia hội nghị SEAFORB từ năm 2015 đến năm 2019 mà mục đích là tiếp xúc và cung cấp thông tin cho các đại diện và các cơ chế nhân quyền của LHQ.
(7)Trình bày đầy đủ chi tiết về các biện pháp thực thi để ngăn ngừa các hành động hăm doạ và trả thù đối với các cá nhân hoặc các người bảo vệ nhân quyền khi họ tìm cách hợp tác với LHQ hay đại diện của các toà đại sứ.
 
Theo Ts. Thắng, năm 2015 BPSOS đồng khởi xướng hội nghị SEAFORB với sự hợp tác chặt chẽ của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay niềm tin; kể từ đó BPSOS đồng tổ chức hội nghị này hàng năm. Mỗi hội nghị đều có đại diện của LHQ tham gia cu~ng như có sự tham gia của các giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, nhân viên của các toà đại sứ hoặc có năm có cả các giới chức của chính quyền sở tại.
 
"Theo thủ tục của LHQ, khi một quốc gia không trả lời một văn thư như vậy trong thời hạn 60 ngày thì LHQ công bố toàn bộ nội dung của văn thư," Ts. Thắng nói. "Đó là một vết nhơ về dư luận quốc tế."
 
Ông cho biết là các trường hợp được nêu trong văn thư kể trên có nhiều triển vọng sẽ được đưa vào bản báo cáo về hăm doạ và trả thù mà Tổng Thư Ký LHQ sẽ công bố vào tháng 9 tới đây tại buổi họp khoáng đại của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.
 
Xem văn thư gửi chính quyền Việt Nam ngày 30 tháng 4, 2020: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/06/VNM-2.2020-public.pdf