Trang

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

2876. TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM VẪN TĂM TỐI.


Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tăm tối

  • Đóng  góp đáng kể của chính các nạn nhân và các cộng đồng tôn giáo
Mạch Sống, ngày 24 tháng 6, 2019
Ngày 21 tháng 6, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu, theo đòi hỏi của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được Quốc Hội thông qua năm 1998. Trong phần về Việt Nam, bản phúc trình nhận định rằng các hình thức sách nhiễu và đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn trong năm 2018.
Bản phúc trình liệt kê một số trường hợp tiêu biểu và phân tích những bất cập trong Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo hiệu lực đầu năm 2018.
“Các trọng điểm mà chúng tôi nêu lên trong năm 2018 đều được phản ánh trong bản phúc trình,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định.
Các tác nhân ngoài chính phủ
Một trong những trọng điểm này là việc chính quyền ngày càng sử dụng các tác nhân ngoài chính phủ để đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập với chính quyền, theo kế “ném đá giấu tay”. Bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao ghi nhận 2 trường hợp mà BPSOS đã nêu lên trong thời gian qua.

Phái đoàn Cao Đài từ trong và ngoài nước tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin – Đông Nam Á, Bangkok, Thái Lan, ngày 18/08/2018 (ảnh BPSOS)
Thứ nhất là chi phái Cao Đài do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên năm 1997 đã xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung của các tín đồ Cao Đài nguyên thuỷ. Theo bản phúc trình:
“Có nhiều báo cáo về việc các tín đồ Cao Đài được đăng ký [với chính quyền] cản trở các tín đồ Cao Đài không được công nhận trong việc thực thi một số nghi lễ tôn giáo. Tín đồ Cao Đài có đăng ký ngăn cản gia đình của tín đồ Cao Đài không được công nhận Lê Văn Nhã trong việc chôn ông ấy tại nghĩa trang Thái Bình Cực Lạc ngày 7 tháng 1, theo một bản báo cáo của tôn giáo Cao Đài không được công nhận. Các tín đồ Cao Đài không đăng ký cũng tố cáo các tín đồ Cao Đài được đăng ký đã đập phá mồ mả của các tín đồ Cao Đài không đăng ký trong nghĩa trang Cực Lac Thái Bình. Nhóm này cũng báo cáo là trong tháng 1 các tín đồ Cao Đài có đăng ký đã ngăn cản một tín đồ Cao Đài không đăng ký để không thể cử hành lễ cúng cửu cho chồng mình trừ khi bà ấy đồng ý mời một chức sắc của nhóm có đăng ký tại Ninh Phước, Xả Ninh Thanh, Thị Xã Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh.”
Trường hợp thứ hai là các hội cờ đỏ đã được các chính quyền địa phương và tỉnh dùng để trấn áp các giáo xứ Công giáo lên tiếng phản đối về chính sách đền bù không thoả đáng cho các thiệt hại do nhà máy Gang Thép Formosa gây ra trong vụ nhiễm độc môi sinh năm 2016. Theo bản phúc trình, mặc dù các hội cờ đỏ đã lặn đi vào khoảng tháng 3 năm 2018, ngay trước đó mạng xã hội vẫn còn báo cáo một số thành viên Hội Cờ Đỏ ở Xã Diễn Đoài, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An đã hăm doạ và hành hung các phụ huynh Công Giáo khi họ phản đối việc nhà trường bắt học sinh đóng thêm học phí.
Chính sách ép bỏ đạo đối với các tín đồ Tin Lành Hmong và Tây Nguyên
Như một trọng điểm thứ hai, bản phúc trình nêu tình trạng sách nhiễu đối với các tín đồ Tin Lành người Hmong ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Để minh hoạ, bản phúc trình nói đến 700 người Hmong theo đạo Tin Lành ở bản Đoàn Kết, Xã Đắk Ngô, Huyện Tuy Đức, Tỉnh Đắk Nông đã không được cấp hộ khẩu từ nhiều năm nay, làm cho họ phải sống bên lề xã hội và con cái không được học hành. Ông Cháng A Dơ, thành viên của Bản Đoàn Kết, đã bị sách nhiễu và hăm doạ sau khi trở về từ Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á tổ chức ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 8 năm 2018; nơi đây ông Dơ đã lên tiếng để quốc tế thấu hiểu tình trạng của các người Hmong bị đối xử như “vô quốc gia” chỉ vì họ không chịu bỏ đạo theo lệnh của chính quyền. Hội nghị này là sự kiện hàng năm do BPSOS đồng tổ chức từ năm 2015 đến nay.
 
Đại diện các tôn giáo Việt Nam đang tiếp xúc với các giới chức quốc tế, ngày 18/08/2018 (ảnh BPSOS)
Tình trạng người Tây Nguyên bị đàn áp vì theo đạo Tin Lành cũng được tường trình khá đầy đủ trong bản phúc trình. Đặc biệt, tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ đã bị hăm doạ và bắt phải rời bỏ hội thánh, nếu không sẽ bị phạt tù có thể lên đến 20 năm. Bản phúc trình trình bày chi tiết về các khó khăn mà tín đồ của hội thánh này gặp phải ở Tỉnh Đắk Lắk. Mục Sư A Đảo, thuộc hội thánh này và đang thi hành án 5 năm tù, đã bị đánh đập bởi giới chức ở trại giam Gia Trung.
“Ở một số tỉnh, tình trạng ép bỏ đạo đã gia tăng đáng kể sau khi Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo có hiệu lực,” Ts. Thắng nhận xét. “Bản phúc trình phản ánh đúng thực trạng này.”
Xâm phạm tài sản của các tổ chức và cộng đồng tôn giáo
Việc chiếm tài sản của các cơ sở tôn giáo và cưỡng chế đất đai của các giáo xứ Công Giáo, một lĩnh vực quan tâm đặc biệt của BPSOS từ gần chục năm nay, cũng được bản phúc trình nêu lên khá đầy đủ. Những trường hợp được tường trình gồm có việc Hoà Thượng Thích Không Tánh đã phải sống nay đây mai đó sau khi Chùa Liên Trì bị phá dỡ; Chùa An Cư ở Sơn Trà, Đà Nẵng bị san bằng; Đan Viện Thiên An ở Huế bị lấn chiếm; cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị đe doạ; các nhà bảo quản đồ tang lễ của các cộng đồng người Hmong theo đạo Dương Văn Mình bị đập phá…
“Ở nhiều nơi việc đàn áp gắn liền với ý đồ của chính quyền nhằm chiếm dụng đất đai của các cộng đồng tôn giáo,” Ts. Thắng giải thích. “Như ở Giáo Xứ Kẻ Gai, chính quyền thành phố Vinh đã dùng Hội Cờ Đỏ để đánh đập các giáo dân đang làm thuỷ lợi trên vùng đất của họ mà chính quyền đang có ý định chiếm dụng.”
Tham dự viên Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin – Đông Nam Á, Bangkok, Thái Lan ngày 17/08/2018 (ảnh BPSOS)
Các trường hợp cá lẻ
Ngoài các vấn đề trọng điểm, bản phúc trình còn nêu lên những trường hợp đàn áp tôn giáo cá lẻ như việc kẻ gian phá hoại tài sản của gia đình Chánh Trị Sự Cao Đài Hứa Phi ở Lâm Đồng, án tù đối với các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo liên quan đến Đạo Tràng Út Trung, việc một số tu sĩ Công Giáo bị chặn không được làm lễ ở một số địa điểm thuộc Tỉnh Lào Cai…
“Qua bản phúc trình này, chúng tôi thấy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nắm khá rõ tình hình ở Việt Nam mặc dù còn nhiều vụ vi phạm đã không được nêu lên, có lẽ vì số trang có hạn,” Ts. Thắng nhận định.
Theo Ông, vụ chính quyền Đà Nẵng tiếp tục cưỡng chế nhà và đất của các giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu đã không được nhắc đến. Hoặc, một ví dụ khác là việc một số thánh thất Cao Đài độc lập với chính quyền bị cấm cản sinh hoạt tôn giáo đã không được đưa vào bản phúc trình dù Bộ Ngoại Giao có thông tin.
Các nguồn thông tin
Theo Ts. Thắng, khoảng trên 80% các vụ việc được nêu trong bản phúc trình đến từ các bản báo cáo trực tiếp của các cộng đồng hoặc tổ chức tôn giáo bị ảnh hưởng. Các bản báo cáo này được viết để nộp cho Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin và được chia sẻ với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng như một số chính phủ quan tâm đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
“Từ năm 2015 đến nay, BPSOS đã huấn luyện cho khoảng 2 nghìn thành viên của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam về thu thập và phối kiểm chứng cứ của những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo,” Ts. Thắng giải thích. “Đồng thời, chúng tôi đào tạo một đội ngũ khoảng 150 người chuyên viết báo cáo vi phạm theo tiêu chuẩn của LHQ.”
Bộ Ngoại Giao cho biết là phần dịch Việt ngữ của bản phúc trình sẽ được phổ biến nội trong 2 tuần tới.
Ngày 29 tháng 4 vừa qua, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công bố bản phúc trình về Việt Nam và tiếp tục kêu gọi Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam trở lại danh sách Quốc Gia Cần Quan Tâm, tức là Country of Particular Concern hoặc gọi tắt là CPC.
Ngày 27 tháng 6 tới đây, Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ sẽ triệu tập buổi điều trần về tình trạng đàn áp tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng Thiên Chúa Giáo. Vấn đề Việt Nam cũng sẽ được nêu lên. Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback và Uỷ Viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Nadine Maenza là 2 trong số 4 người sẽ ra điều trần. Tháng 8 năm 2018, Bà Maenza tham gia Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á do BPSOS đồng tổ chức ở Bangkok, Thái Lan; tại đây Bà đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều nhân chứng của sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Bài liên quan:
Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế: Tình trạng xấu đi ở Việt Nam năm 2018
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1452-2019-04-29-22-51-52.html
Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo ở Đông Nam Á Lần 4: Phong trào đang lan rộng
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1387-2018-08-26-12-05-21.html

Add comment