Trang

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

2757. Thêm cơ hội cho sách lược dân chủ hoá Việt Nam.





Dưới cùng của Biểu mẫu
·         Thêm cơ hội cho sách lược dân chủ hoá Việt Nam
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 31 tháng 7, 2018
Tuần vừa qua Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo triệu tập cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên về tự do tôn giáo. Tổng cộng 85 quốc gia quốc gia đồng quan điểm với Hoa Kỳ đã tham dự. Mục đích chính của cuộc họp chưa từng có này là dấy lên một nỗ lực quốc tế rộng lớn và dài lâu để tạo sự thay đổi ở những quốc gia và khu vực nơi mà tình hình tự do tôn giáo đang rất u ám, trong đó có Việt Nam.
Cuộc họp tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong 3 ngày, từ 24 đến 26 tháng 7, vừa mở ra một số cánh cửa cơ hội không chỉ để phát huy tự do tôn giáo mà còn giúp đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. BPSOS đã chuẩn bị từ nhiều năm để nắm bắt ngay và tận dụng các cơ hội mới này.

Những cơ hội đang mở ra
Qua các phát biểu tại sự kiện lịch sử này của Phó Tổng Thống Mike Pence, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback, và Quản Trị Viên Quỹ USAID Mark Green, Hoa Kỳ đã đề một khung chính sách để phát động nỗ lực toàn cầu nhằm phát huy tự do tôn giáo, gồm có:


Quang cảnh buổi họp giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và xã hội dân sự trước buổi họp cấp bộ trưởng, ngày 25/07/2018 (ảnh BNG)
(1)    Hoa Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng hàng năm và hỗ trợ các chính quyền khác để tổ chức các cuộc họp tương tự ở nhiều nơi trên thế giới;
(2)    Hoa Kỳ kêu gọi các chính quyền có mặt hãy bổ nhiệm giới chức cấp đại sứ chuyên trách tự do tôn giáo quốc tế;
(3)    Hoa Kỳ kêu gọi các chính quyền và tư nhân đóng góp vào Quỹ Tự Do Tôn Giáo mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chịu mọi chi phí quản trị để hỗ trợ các nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo và tài trợ cho các nỗ lực phát huy tự do tôn giáo;
(4)    Các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ sẽ mở ra cho các tổ chức tôn giáo và những tổ chức phi chính phủ dù không được chính quyền sở tại công nhận;
(5)    Các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các nhà lập pháp trên toàn cầu để đưa ra các đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế;
(6)    Chính quyền Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với xã hội dân sự ở Hoa Kỳ và ở các quốc gia khác để triển khai khung chính sách mới này, và khuyến khích các chính quyền khác làm tương tự.
Các điểm kể trên được ghi lại trong 2 văn kiện mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố vào cuối cuộc họp: Tuyên Ngôn Potomac và Chương Trình Hành Động Potomac. Chúng tạo nên bước ngoặt đáng kể về chính sách của Hoa Kỳ trong lĩnh vực quyền tự do tôn giáo hay niềm tin.

Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng, trước sự chứng kiến của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, ngày 26/07/2018 (ảnh BNG)
Đi trước trào lưu
Năm 1997 BPSOS quyết định chọn tự do tôn giáo hay niềm tin làm một mũi nhọn đấu tranh nhân quyền, và đã góp phần vận động thành công Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998. Khai thác luật này, năm 2004 chúng tôi đã cùng với Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam vận động thành công để đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Đặc Biệt Quan Tâm, tức CPC (Country of Particular Concern). Chúng tôi có 2 lý do để chọn tự do tôn giáo làm mũi nhọn cho cuộc tranh đấu nhân quyền.
Thứ nhất, quyền tự do tôn giáo hay niềm tin ảnh hưởng đến tuyệt đại đa số người dân trong nước. Theo chính thống kê của nhà nước, 80% người dân ở Việt Nam theo một tôn giáo hoặc có một niềm tin.
Thứ hai, tự do tôn giáo hay niềm tin là một “gói” quyền, chứ không phải là một quyền đơn lẻ như quyền không bị bắt giam tuỳ tiện, quyền không bị tra tấn... Không có quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, lập hội, đi lại,hoặc sở hữu… thì cũng không có tự do tôn giáo hay niềm tin. Tuyên Ngôn Potomac xác nhận điểm này: “Nơi nào tự do tôn giáo được bảo vệ thì các tự do khác – như tự do biểu đạt, lập hội, và tụ hội ôn hoà – cũng triển nở. Các biện pháp bảo vệ quyền tự do thực hành tôn giáo đóng góp trực tiếp cho quyền tự do chính trị, phát triển kinh tế, và thể chế pháp trị.”
Như thế, mũi nhọn tự do tôn giáo sẽ giúp mở ra cùng lúc nhiều quyền căn bản cho đại đa số người dân ở Việt Nam.

Ts. Thắng điều trần tại Quốc Hội để yêu cầu Hoa Kỳ giữ Việt Nam trong danh sách CPC, ngày 20/06/2005
Mô hình bàn tròn tự do tôn giáo
Chương Trình Hành Động Potomac nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong việc phát huy tự do tôn giáo và đề ra những biện pháp để chính quyền hợp tác với xã hội dân sự qua các “diễn đàn” địa phương, khu vực và quốc tế. “Diễn đàn” trong văn kiện này ám chỉ mô hình Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo, được khởi xướng ở Hoa Kỳ cách đây 8 năm.
Đấy là diễn đàn thường trực và thường xuyên để mọi tổ chức và cá nhân quan tâm đến tự do tôn giáo có thể trao đổi thông tin, phối hợp hành động và đối tác với chính quyền. Mỗi tuần Bàn Tròn này đều có buổi họp với vị Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Sam Brownback, và quy tụ từ 50 đến 80 tham dự viên đại diễn các tổ chức xã hội dân sự.
Là thành viên thường trực của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, năm 2015 BPSOS khởi xướng một nỗ lực để đưa mô hình này vào Đông Nam Á với sự hậu thuẫn của ngày càng đông các tổ chức xã hội dân sự địa phương, khu vực và quốc tế.
Tháng 9 năm 2015, với sự yểm trợ của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, BPSOS cùng 2 tổ chức nhân quyền khu vực và quốc tế khởi xướng hội nghị hàng năm về tự do tôn giáo cho toàn khu vực Đông Nam Á.  Mục đích của hội nghị này, tên chính thức là Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á (viết tắt là Hội Nghị SEAFORB, Southeast Asia Freedom of Religion or Belief), là huy động nỗ lực toàn khu vực với sự yểm trợ quốc tế ngoài khu vực để giải quyết tình trạng bách hại hay đàn áp tôn giáo ở một số quốc gia ĐNÁ, trong đó có Việt Nam.

Một buổi tham luận của Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Đông Nam Á với Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Ts. Heiner Bielefeldt, Bangkok, Thái Lan ngày 27/09/2015 (ảnh ICJ)
Năm 2016, BPSOS đã hỗ trợ cho sự hình thành của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Việt Nam. Lập tức nhiều thành viên của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ đã gửi văn thư chào mừng. Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng ghi nhận sự hình thành của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, trên thế giới chỉ có 3 bàn tròn về tự do tôn giáo như vậy: 1 ở Hoa Kỳ được thành lập năm 2010, 1 ở Âu Châu thành lập năm 2016 và 1 ở Việt Nam thành lập cùng năm. Nghĩa là Việt Nam là quốc gia duy nhất có mô hình bàn tròn tự do tôn giáo trong toàn vùng Đông Nam Á và cả vùng Á Châu – Thái Bình Dương.
Kế hoạch cho năm 2018 của BPSOS và các tổ chức hợp tác là hình thành thêm các bàn trọn tự do tôn giáo cho Miến Điện, Indonesia và Malaysia mô phỏng theo mô hình sẵn có của bàn tròn tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cuộc họp cấp bộ trường vừa qua ở thủ đô Hoa Kỳ là yếu tố thuận lợi cho chiến lược của chúng tôi là dấy lên nỗ lực toàn vùng để phát huy tự do tôn giáo ở các quốc gia Đông Nam Á chưa thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

Ls. Greg Mitchell, phối hợp viên Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, đón tiếp thành viên của phái đoàn Cao Đài tại buổi họp hàng tuần của bàn tròn, ngày 10/07/2018
Tự do tôn giáo làm mũi nhọn dân chủ hoá
Chuyển từ chế độ độc tài sang thể chế dân chủ đòi hỏi một sách lược lớn, mà còn được gọi là sách lược vĩ mô. Sách lược vĩ mô của chúng tôi là cùng lúc tác động các yếu tố gốc để chuyển đổi tương quan thế và lực giữa dân và chính quyền: tăng dần lực và thế của người dân và giảm dần lực và thế của chính quyền cho đến khi người dân có thể ảnh hưởng chính sách, kiểm soát chính quyền và nếu cần thì thay đổi thể chế. Phát huy tự do tôn giáo là một chiến lược mũi nhọn trong sách lược vĩ mô ấy.
Trong chiến lược này, chúng tôi tạo nên các “sân chơi” khu vực và quốc tế nơi mà chế độ không thể kiểm soát, và nếu muốn nhập cuộc thì phải tuân thủ những luật chơi công bằng. Trên sân chơi ấy, các cộng đồng tôn giáo lớn nhỏ ở Việt Nam đều có thể nhập cuộc qua Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Việt Nam, và hoà nhập trào lưu chung qua các bàn tròn tương tự ở trong khu vực và trên thế giới, lại có sự hậu thuẫn của ngày càng đông các quốc gia dân chủ, dẫn đầu là Hoa kỳ. Chế độ ở trong nước đụng đến một là đối đầu tất cả.
Mỗi bước lùi của chế độ trước sức ép quốc tế lại nới rộng thêm không gian an toàn cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở trong nước tổ chức nhân sự để tăng lực, và rồi nới rộng vòng nối kết qua bàn tròn tự do tôn giáo để tăng thế. BPSOS có chương trình để hỗ trợ các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam trong tiến trình đó. Chúng tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn và tạo điều kiện để những cá nhân hay nhóm ở hải ngoại khai thác cơ hội thuận lợi đang mở ra để phát huy quyền tự do tôn giáo cho riêng tôn giáo của mình hoặc cho chung mọi người dân ở Việt Nam.
Tóm lại, cuộc họp cấp bộ trưởng ở thủ đô Hoa Kỳ vừa qua là một trợ duyên cho sách lược dân chủ hoá Việt Nam mà chúng tôi đề ra năm 2010. Chúng tôi đón chào và sẽ tạo điều kiện cho mọi thành phần người Việt ở trong và ngoài nước, ngoại trừ các tổ chức và đảng phái chính trị, nhập cuộc.

Ts. Nguyễn Đình Thắng trong tham luận đoàn về tự do tôn giáo ở Đông Nam Á ở Quốc Hội Hoa Kỳ, diễn ra cùng lúc với cuộc họp cấp bộ trưởng ở Bộ Ngoại Giao, ngày 26/07/2018 (ảnh ICC)
Bài liên quan:
Chương trình hành động Potomac: https://www.state.gov/j/drl/irf/religiousfreedom/284555.htm
Trang mạng của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ: https://www.irfroundtable.org/