Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

2623. 05 BÀI BÁO CŨ, MƯỜI NĂM TRÔI QUA...

SỰ KIỆN GỐC BỒ ĐỀ 2008.

Hiện nay vấn đề Đạo Cao Đài 1926 bị đánh cắp căn cước tại Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức BPSOS giúp đở để đưa ra Tòa án tại Hoa Kỳ và công luận quốc tế. Chúng ta thật sự vui mừng về điều đó. Mười năm trước bạn đạo trong ngoài đã phối hợp nhau tạo ra SỰ KIỆN GỐC BỒ ĐỀ. Mười năm sau chúng ta phối hợp nhau để LẤY LẠI TÒA THÁNH TÂY NINH.  
BBT Blog KNS

CHÍNH PHỦ “KHÔNG LẬT LẠI LỊCH SỬ” VẤN ĐỀ TÔN GIÁO.
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
06-08- 2008.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài chúng tôi liên quan đến đạo Cao Đài, trong đó có trường hợp đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, một viên chức Ban Tôn Giáo Chính Phủ nói rằng Nhà Nước Việt Nam không đặt lại vấn đề cũ đã trở thành lịch sử.
Trên thực tế, với nhiều tín đồ Cao Đài, vấn đề cũ lại là cốt lõi dẫn dắt đến tất cả những việc hiện tại mà đến nay chưa giải quyết được. Biên tập viên Thiện Giao tìm hiểu, ghi nhận ý kiến các bên về vấn đề liên quan đến hai sự kiện quan trọng năm 1978 và 2006.

Kiến nghị của tín đồ

Ngày 22 tháng Bảy vừa qua, 12 vị thuộc phía Cao Đài không chấp nhận Hội Đồng Chưởng Quản, ra Hà Nội, gặp và trao tận tay đại diện của Ban Tôn Giáo Chính Phủ tờ Phúc Sự cùng một số yêu cầu và kiến nghị.
Ông Nguyễn Đắc Tuấn, phó Vụ Trưởng Vụ Cao Đài thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ trả lời phỏng vấn đài chúng tôi, nói rằng “đây là những kiến nghị của tín đồ, chứ không phải chức sắc” do đó “xin ghi nhận để nắm tình hình chứ không đặt vấn đề giải quyết vì họ không có tư cách pháp nhân đại diện Giáo Hội.”
Một trong những nội dung của tờ Phúc Sự liên quan đến tài sản và cơ ngơi của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hiện nằm dưới sự cai quản của Hội Đồng Chưởng Quản mà phía Cao Đài nguyên thuỷ cho là do Nhà Nước lập ra.
Việc đặt câu hỏi liên quan đến cơ ngơi này lại liên quan đến một sự kiện xảy ra cách đây 30 năm. Năm 1978, Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh cho ban hành văn kiện có tên “Bản Án Cao Đài” lên án một số nhân vật khai sáng Đạo là tay sai cho Pháp, Nhật và Mỹ.
Trong số những người bị lên án, có Hộ Pháp Phạm Công Tắc, một người được tín đồ Cao Đài xem như Giáo Chủ của họ.
Hộ Pháp Phạm Công Tắc sang Cambodia từ năm 1956 và mất tại đó vào năm 1959.
Trước khi mất 3 ngày, Ngài đã viết một bức thư gởi Quốc Vương Norodom Sihanouk, lúc đó còn là Thái Tử. Bức di ngôn có nội dung là khi nào Việt Nam có độc lập, hòa bình, và trung lập, đệ tử của ngài sẽ mang di hài của ngài về Toà Thánh Tây Ninh.
Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm
“Đức Hộ Pháp sang Cambodia để phổ biến tư tưởng trung lập của mình. Ngài sang Cambodia tháng Giêng, 1956, và mất tại đó ngày 17 tháng Năm, 1959. Trước khi mất 3 ngày, tại giường bệnh ở một bệnh viện của Cambodia, ngài đã viết một bức thư gởi Quốc Vương Norodom Sihanouk, lúc đó còn là Thái Tử. Bức di ngôn có nội dung là khi nào Việt Nam có độc lập, hòa bình, và trung lập, đệ tử của ngài sẽ mang di hài của ngài về Toà Thánh Tây Ninh.”
Ông Nguyễn Thanh Liêm, một hiền tài của đạo Cao Đài, cho biết như vừa trình bày.

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc

Đến năm 2006, chính quyền Việt Nam cho đưa liên đài của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc từ Cambodia trở về Việt Nam, nhập Bửu Tháp tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Ông Nguyễn Đắc Tuấn, phó Vụ Trưởng Vụ Cao Đài thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ thì nhận định rằng “Nhà Nước nhìn nhận đương nhiên ông Phạm Công Tắc là người đứng đầu một tôn giáo, nay đã quá vãng. Việc đưa xá lợi của Ngài về nhập Bửu Tháp là điều bình thường.”
Ông Tuấn nhấn mạnh thêm rằng, việc đưa xá lợi của Hộ Pháp Phạm Công Tắc về Việt Nam đã được Nhà Nước tạo điều kiện thuận lợi:
“Nhà Nước rất quan tâm đến việc này và tạo điều kiện thuận lợi. Nếu Nhà Nước không tạo điều kiện thì Hội Thánh không thể mang xá lợi Hộ Pháp Phạm Công Tắc về được, vì điều này liên quan đến đối ngoại, đến chủ quyền 2 nước, là Cambodia và Việt Nam.”
Một số người theo đạo Cao Đài cho rằng hai hành động của Nhà Nước, vào năm 1978 và 2006, vẫn còn mâu thuẫn một khi chưa có lời lên tiếng chính thức xoá bản án đã đưa ra cách đây 30 năm. Một tín đồ Cao Đài hiện đang sống tại Việt Nam nhận định:
“Tới năm 2006, họ lại rước liên đài ông Phạm Công Tắc về. Nói về mặt luật pháp, thì sao năm 1978 anh nói họ phản quốc, rồi nay rước họ về với nghi thức linh đình, cho nhập Bửu Tháp mà không có văn bản nào xoá án hay xin lỗi là nói sai?”
Quan điểm của Nhà Nước hiện nay là chúng tôi sẵn sàng rộng mở. Còn vấn đề tại thời điểm đó thì đấy là lịch sử. Lịch sử thì mình đã làm xong rồi, mọi việc đã xong rồi, chúng tôi không đặt vấn đề lật lại những việc đó.
Ông Nguyễn Đắc Tuấn

Cần một lời giải thích

Đối với nhiều người Cao Đài, Bản Án năm 1978 đến nay vẫn còn là một văn kiện cần lời giải thích chính thức từ phía Nhà Nước, vì trên căn bản này, Hội Thánh Cao Đài bị giải thể, đưa đến sự ra đời của Hội Đồng Chưởng Quản.
Xin theo dõi trích đoạn phỏng vấn của chúng tôi với ông Nguyễn Đắc Tuấn, Vụ Phó Vụ Cao Đài.
Thiện Giao: Như vậy, có thể nói là hành động đưa xá lợi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về, một cách này hay cách khác, là Nhà Nước muốn phủ nhận Bản Án Cao Đài năm 1978?
Ông Nguyễn Đắc Tuấn: Không phải! Hai điều này không liên quan với nhau. Việc đưa Hộ Pháp về Việt Nam là vì tôn trọng tín ngưỡng và tôn trọng lòng kính trọng của tín đồ Cao Đài với giáo chủ của họ. Tôi cho rằng việc này không liên quan đến Bản Án Cao Đài 1978. Bản Án chỉ trừng trị những người chống lại Nhà Nước thôi.
Thiện Giao: Thưa ông, Bản Án năm 1978 có nêu tên Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc!
Ông Nguyễn Đắc Tuấn: Chúng tôi không đặt vấn đề như vậy. Quan điểm của Nhà Nước hiện nay là, tất cả quá khứ, kể cả những người đứng về phía bên kia, chúng tôi cũng sẵn sàng rộng mở. Ông Nguyễn Cao Kỳ là một ví dụ. Nhà Nước có đặt vấn đề cũ đâu! Còn vấn đề tại thời điểm đó thì đấy là lịch sử. Lịch sử thì mình đã làm xong rồi, mọi việc đã xong rồi, chúng tôi không đặt vấn đề lật lại những việc đó.
Những gì xảy ra, thì đã là lịch sử. Lịch sử để lại hệ luỵ. Và trong ý nghĩa đó, những sự kiện quá khứ không nhất thiết là đã qua, đã xong. Đôi khi lịch sử cũng cần được lật lại, nhất là khi lịch sử ấy gắn liền với nhiều nghi án!