Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

2622. 05 BÀI BÁO CŨ, MƯỜI NĂM TRÔI QUA...

SỰ KIỆN GỐC BỒ ĐỀ 2008.

Hiện nay vấn đề Đạo Cao Đài 1926 bị đánh cắp căn cước tại Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức BPSOS giúp đở để đưa ra Tòa án tại Hoa Kỳ và công luận quốc tế. Chúng ta thật sự vui mừng về điều đó. Mười năm trước bạn đạo trong ngoài đã phối hợp nhau tạo ra SỰ KIỆN GỐC BỒ ĐỀ. Mười năm sau chúng ta phối hợp nhau để LẤY LẠI TÒA THÁNH TÂY NINH.  
BBT Blog KNS

HÀNH TRÌNH ĐẠO CAO ĐÀI TỪ 1975 (phần 4)

THIỆN GIAO. RFA 26-06-2008.
Phần cuối của loạt 4 bài về hiện tình lãnh đạo tôn giáo Cao Đài phân tích tính chính thống của Hội Đồng Chưởng Quản, trong danh hiệu và hoạt động.
Những tranh chấp trong vấn đề của tôn giáo Cao Đài có những sai biệt khi so sánh giữa hình thức và bản chất hay khi thay đổi vị trí quan sát. Nhiều người cho rằng đây là cuộc tranh đấu để bảo toàn sự chính danh và tính nguyên thuỷ của một tôn giáo, nhưng cũng có người nói đây chỉ là cuộc tranh chấp liên quan đến quyền lợi và danh vọng. 
Trong bài cuối cùng này của loạt 4 bài, ban Việt ngữ trình bày những ý kiến liên quan đến điều này. Diễn tiến câu chuyện sẽ bị coi là thiếu sót nếu không lưu ý đến sự can thiệp trực tiếp của chính quyền vào nội bộ tôn giáo..

Có thể nói tổng quát, “vấn đề” của đạo Cao Đài cho đến thời điểm hôm nay xoay quanh câu hỏi về tính chính thống, trong danh hiệu cũng như trong hoạt động, của Hội Đồng Chưởng Quản.
Cuộc cầu nguyện bất thành ngày 17-3 vừa qua tại Tây Ninh liên quan trực tiếp đến điều này. Những người cầu nguyện yêu cầu phục quyền Hội Thánh theo hiến chương và hiến pháp của đạo. Điều này đồng nghĩa với việc, họ không xem Hội Đồng Chưởng Quản có thể đảm nhiệm, hoặc hành xử, trong tư cách Hội Thánh, hoặc tương đương Hội Thánh, hoặc với tư cách cơ quan đứng đầu tôn giáo Cao Đài.

Sự ra đời của Hội Đồng Chưởng Quản

Hội Đồng Chưởng Quản, khởi thuỷ gồm 12 vị, nay lên đến 36 vị, là cơ quan ra đời trong bối cảnh Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị giải thể theo một quyết định của chính quyền tỉnh Tây Ninh vào năm 1979. Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm, từ California, nhớ lại.
“Khi Đạo Cao Đài lập ra thì có hiến pháp, tức là Pháp Chánh Truyền. Hội Thánh lúc đó có đặt ra Tân Luật rất rõ ràng. Trong Pháp Chánh Truyền không có từ “Hội Đồng Chưởng Quản.” Tức là Hiến Pháp không qui định Hội Đồng Chưởng Quản. Vì vậy phần đông nhơn sanh trung kiên không đồng ý.”
Trong quan niệm của phía Cao Đài nguyên thuỷ, Hội Đồng Chưởng Quản ra đời trong bối cảnh đặc biệt liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đạo. Lệnh giải thể Hội Thánh đặt tôn giáo Cao Đài vào tình thế không còn cơ quan quyền lực tối cao. Trong khi ấy, một số tài sản của Đạo không bị tịch thu, và Hội Đồng Chưởng Quản được thành lập là để xử lý thường vụ và coi sóc các cơ sở đạo.
Theo nhận định của một số người quan tâm đến tình hình tôn giáo Việt Nam, nhất là giai đoạn những năm đầu sau thời điểm 30 tháng Tư, 1975, thì Hội Đồng Chưởng Quản ra đời dựa trên 2 văn kiện của chính quyền tỉnh Tây Ninh thời ấy. Và cả hai văn bản này đều vô giá trị và vi hiến, chiếu theo hiến pháp và luật Việt Nam vào thời điểm ấy.
Thứ nhất, xét đến “Bản Án” của Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh. Theo Điều 97 của Hiến Pháp 1959, vẫn còn hiệu lực cho đến năm 1980, chỉ có: “Toà án Nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các Toà án Nhân dân địa phương, các Toà án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt.” Mặt Trận Tổ Quốc các cấp không có quyền này, và vì vậy không có tư cách ra bản án.
Thứ hai, theo Điều 87, cũng của Hiến pháp 1959, thì “Uỷ ban Hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.” Điều 89 của Hiến pháp 1959 xác định: “Uỷ ban Hành chính các cấp quản lý công tác hành chính của địa phương, chấp hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp mình và nghị quyết, mệnh lệnh của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Uỷ ban Hành chính các cấp chiếu theo quyền hạn do luật định mà ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những quyết định, chỉ thị ấy.” Chiếu theo những điều vừa nói, thì Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh không có thẩm quyền ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - một tôn giáo có tín đồ, không chỉ riêng ở Tây Ninh. Vì thế, việc ban hành quyết định này là một hành vi lạm quyền, mà khoa học pháp lý gọi là “bạo hành hành chánh.”
Theo nhận định của những người Cao Đài nguyên thuỷ, thì tính bất chính thống của Hội Đồng Chưởng Quản còn nằm ở những quyết định của Hội Đồng. Những quyết định này đi ra ngoài qui định của Pháp Chánh Truyền, là giáo luật cao nhất của tôn giáo Cao Đài. Việc Hội Đồng Chưởng Quản ban hành hiến chương năm 1997 bị chỉ trích là đi ngoài hiến pháp đạo để lập ra luật mới.

Vượt trên phân quyền, dân chủ

Thủ tục ban hành hiến chương 1997 của Hội Đồng Chưởng Quản bị phản đối ở hai khía cạnh: vượt quyền qui định và vượt quá đạo luật, kinh lễ có tính cách nội qui.
Tính “vượt quyền” được phân tích sau đây qua nhận định của một chức sắc Cao Đài, là Lễ Sanh Ngọc Sảnh Thanh.
“Trong luật của đạo Cao Đài, điều gì cũng phải đủ 3 hội lập quyền mới được thừa nhận. Nếu thiếu 1 quyền thì vô tác dụng đối với đạo. Quyền thứ nhất là quyền của vạn linh, tức của nhơn sanh trong hạ tầng. Quyền thứ 2 là quyền của Hội Thánh, tức là của chức sắc đạo từ hàng phẩm giáo hữu trở lên đến Chánh Phối Sư. Quyền thứ ba, quyết định, là quyền thượng hội, do nơi Giáo Tông Hộ Pháp quyết định. Phải có đủ 3 quyền thì mới có Tân Luật, có hiến chương. Thiếu 3 quyền này thì, phải nói thẳng, trong đạo, người tín hữu hiểu rõ luật đạo sẽ không thừa nhận.”
Tính “vượt đạo và kinh lễ” được Sĩ Tải Phùng Văn Phan phân tích sau đây.
“Hiến chương Hội Thánh gồm 12 chương, 27 điều, được lập ra do Hội Thánh dựa vào căn bản Tân Luật và Pháp Chánh Truyền đạo luật, các đạo nghị định. Hiến chương này không mang màu sắc chính trị, chỉ thuần tuý tôn giáo và không vi phạm vào hiến pháp và pháp luật bất cứ chế độ nào. Điều 25 của hiến chương này nói rằng “để áp dụng hiến chương này, bản Tân Luật và Pháp Chánh Truyền đạo luật, kinh lễ có tính cách nội qui, nội luật.” Có nghĩa là đường lối của tôn giáo Cao Đài phải đi theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền đạo luật.”
Cũng theo phân tích của tín hữu Cao Đài, thì cơ cấu quyền lực và sự phân quyền của Đạo là một trong các tính chất đặc trưng phản ánh tính dân chủ của Đạo nhằm tránh trường hợp độc quyền. Sự phân quyền này thể hiện rõ qua cơ cấu “Lưỡng Đài,” gồm Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, tồn tại song song và có chức năng riêng biệt. Theo qui định của Pháp Chánh Truyền Cao Đài, phía Hiệp Thiên do Hộ Pháp đứng đầu, đảm nhiệm những vấn đề liên quan đến luật Đạo. Còn phía Cửu Trùng thì lo về vấn đề hành chánh đạo, dưới quyền của Giáo Tông.
Nhưng thực tế hiện nay thì sao? Theo lời Sĩ Tải Phùng Văn Phan.
“Hiện nay Hội Đồng Chưởng Quản nằm trong 1 người, nắm cả chính trị lẫn luật lệ. Pháp Chánh Truyền không cho phép 1 người nắm nhất thống. Ngay cả trong luật lệ Giáo Tông cũng không có sự độc quyền, mà phải chia luật lệ và chính trị cho 2 phía nắm. Nay Hội Trưởng Hội Đồng Chưởng Quản nắm độc quyền đưa đến nhơn sanh không chấp thuận.”
Một số người để tâm quan sát tình hình của đạo Cao Đài hiện nay nhìn nhận, rằng hình thức và bản chất của cuộc “tranh chấp” giữa một bên là Cao Đài nguyên thủy, với bên kia là Hội Đồng Chưởng Quản, mang nhiều điểm hết sức tế nhị mà người theo đạo bình thường không nhận biết được.

Cao Đài nguyên thủy và Hội Đồng Chưởng Quản

Đối với đa số, đây là cuộc tranh chấp về quyền lợi và danh hiệu. Trên thực tế, những nhận định cho thấy, đây là cuộc tranh đấu bất cân xứng, đi tìm và bảo vệ quyền chính danh, để bảo toàn tính nguyên thuỷ của một tôn giáo.
Cuộc tranh đấu này bất cân xứng vì đây không chỉ là sự đối kháng giữa những người từng là đồng đạo. Cuộc tranh đấu này bất cân xứng, vì có sự tham gia của một quyền lực khác: đó là Nhà Nước.
Khi nhà nước chọn phương cách can thiệp vào tôn giáo, dường như mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn.
Lịch sử có thể cung cấp nhiều minh chứng cho điều này!
@@@
MC Cuối: Thưa quí vị, vừa rồi là những trình bày trong một nỗ lực ghi nhận, phân tích ý kiến liên quan đến những tranh chấp nội tại trong tôn giáo Cao Đài, tức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, từ 30 năm qua. Những mâu thuẫn, những tranh chấp, những cầu nguyện, bắt nguồn nguyên thuỷ từ tháng Chín năm 1978, không những không chấm dứt, mà tiếp tục âm ỉ nhưng quyết liệt, cho đến tận hôm nay. Có thể thấy rằng, câu chuyện của Cao Đài không phải là vấn đề nội bộ của tôn giáo này. Câu chuyện Cao Đài trở nên phức tạp vì sự tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, của chính quyền vào vấn đề tôn giáo. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy những tranh chấp sẽ được giải quyết, Hội Thánh sẽ được phục quyền, Tân Luật và Pháp Chánh Truyền sẽ được tôn trọng. Ai cũng hiểu rằng muốn giải quyết rốt ráo vấn đề, thì các phe liên hệ phải ngồi lại đựơc với nhau để thẳng thắn đối thoại một cách bình đẳng với sự trung gian vô tư của nhà nứơc. Nhà nứơc là thẩm quyền thi hành luật, nhưng luật và thẩm quyển chỉ là điều kiện cần, rrong khi đó, ý chí và sự tôn trọng tinh thần pháp quyền mới là điều kiện đủ để tôn giáo được trả về vị trí nguyên thuỷ của một tín ngưỡng.
Đài Á Châu Tự Do mong mỏi quý thính giả có liên quan đến vấn đề đóng góp thêm ý kiến. Xin hãy gọi 202 530 7775 và để lại lời nhắn.
Từ Vịêt Nam thì thêm số 011 ở đầu. Quý vị cũng có thể viết thư cho chúng tôi về địa chỉ vietweb@rfa.org.
Đường link: