Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

2619. 05 BÀI BÁO CŨ, MƯỜI NĂM TRÔI QUA...

SỰ KIỆN GỐC BỒ ĐỀ 2008.


Hiện nay vấn đề Đạo Cao Đài 1926 bị đánh cắp căn cước tại Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức BPSOS giúp đở để đưa ra Tòa án tại Hoa Kỳ và công luận quốc tế. Chúng ta thật sự vui mừng về điều đó. Mười năm trước bạn đạo trong ngoài đã phối hợp nhau tạo ra SỰ KIỆN GỐC BỒ ĐỀ. Mười năm sau chúng ta phối hợp nhau để LẤY LẠI TÒA THÁNH TÂY NINH.  
BBT Blog KNS.

HÀNH TRÌNH ĐẠO CAO ĐÀI TỪ 1975. (phần 1).

THIỆN GIAO. RFA 18.06.2008.
Ngày 17-03 vừa qua, một số tín đồ đạo Cao Đài đã tập trung về Tòa Thánh Tây Ninh để cầu nguyện và đưa ra một số yêu cầu với chính quyền, liên quan đến giáo luật và cơ sở của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Cuộc cầu nguyện bị ngăn chặn ngay từ đầu. Một số người bị công an mời làm việc, một số bị bắt và được trả tự do sau đó. Cuộc cầu nguyện không mang tính nhất thời, mà là hệ quả của những bức xúc kéo dài 30 năm qua.
Hôm nay, ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin gởi đến quí vị bài thứ nhất trong loạt 4 bài, nhằm trình bày những diễn tiến âm thầm nhưng khốc liệt xẩy ra bên dứơi và bên trong khung cảnh êm đềm của Toà Thánh Tây Ninh.
Biên tập viên Thiện Giao trình bày và xin đựơc khởi đầu bằng những gì đã xảy ra bên Gốc Bồ Đề tại Tòa Thánh hôm 17 tháng Ba, trứơc hết bằng lời kể của những nhân chứng.
SỰ KIỆN “GỐC BỒ ĐỀ” 17-3-2008
“Chúng tôi không chống chính phủ. Chúng tôi chỉ đòi hỏi chính phủ làm đúng những gì chính phủ đã nói. Do vậy mới có chuyện đàn áp của công an.”
“Có lẽ tin về việc gốc Bồ Đề đã xuất phát trước nên mới có những rào chắn bố trí trước khoảng 5 ngày. Đến ngày đó thì không ai được vào. Đây là một lối chận để không có cuộc cầu nguyện.”
“Ý nghĩa của buổi cầu nguyện là vì Đền Thánh bây giờ không còn tôn nghiêm nữa nên người ta ra gốc cội Bồ Đề trước Cửu Trùng Thiên cầu nguyện. Khi ra đó thì người ta thấy Hội Đồng Chưởng Quản đã rào hết rồi nên không vào được. Trước đó, anh em tề tựu về, đến nhà đồng đạo thì bị xét hỏi. Nói chung, nếu về mà lưu qua đêm thì bị công an kêu lên làm việc.”
Những người trong cuộc, những người đã tham gia trực tiếp vào “Sự Kiện Gốc Bồ Đề” tại Tòa Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Tây Ninh ngày 17 tháng Ba năm 2008 vừa qua kể lại như vậy.
Ngày 17-3-2008 tức là ngày 10 tháng hai năm Mậu Tý, Âm Lịch, theo cách sử dụng quen thuộc của người theo đạo Cao Đài, một số đạo hữu Cao Đài từ các tỉnh, địa phương đã cùng nhau tập trung về Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh Địa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Cuộc tập trung, vì sự ngăn cản của chính quyền nên không thành, được tổ chức với với mục đích cầu nguyện, nhằm đưa ra một số yêu cầu cho chính quyền cũng như gởi thông điệp đến cho Hội Đồng Chưởng Quản, cơ quan được xem, và được nhà nước Việt Nam công nhận, là đứng đầu đạo Cao Đài hiện nay.
Hai yêu sách đã được đưa ra trong cuộc cầu nguyện ngày 17 tháng Ba tại Gốc Bồ Đề trước Cửu Trùng Thiên thuộc Tòa Thánh gồm có:
Thứ nhất: phục hồi Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo đúng Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
Thứ nhì: Hội Đồng Chưởng Quản phải ra khỏi, và trao trả Tòa Thánh lại cho khối nhơn sanh Cao Đài nguyên thủy.
Hai yêu sách này mang tính cơ bản, đã thể hiện những mâu thuẫn vừa về chính trị, lại vừa về tôn giáo trong đạo Cao Đài. Chúng gay gắt về tính chất, và quyết liệt trong mức độ, vì va chạm trực tiếp đến Thánh Địa và Giáo Luật của một tôn giáo đã tồn tại 80 năm, với 30 năm âm ỉ những mâu thuẫn mà  không có giải pháp. Mốc thời gian ấy là năm 1978.

Bản án Cao Đài

Năm ấy, sau nửa thế kỷ thành lập và phát triển mạnh, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức đạo Cao Đài, đối mặt với một bản án đặt tiền đề cho tính tồn vong của đạo. Chính quyền tỉnh Tây Ninh lúc ấy cho công bố một văn bản kết tội các chức sắc Cao Đài là phản động, làm tay sai cho Pháp, Nhật và Hoa Kỳ. Trong số những chức sắc bị lên án trong “Bản Án Cao Đài,” có cả những nhân vật đã sáng lập nên đạo, là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, và Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Một năm sau đó, tức năm 1979, dựa trên Bản Án Cao Đài, chánh quyền Tỉnh Tây Ninh ra lệnh giải thể Hội Thánh và bộ máy hành chính của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ trung ương xuống đến tất cả các địa phương. Đi kèm lệnh cưỡng bách giải thể này là quyết định cưỡng chế phần lớn tài sản gồm động sản và bất động sản của tôn giáo này. Ông Nguyễn Thanh Liêm, một Hiền Tài của Đạo Cao Đài, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nhớ lại.
“Hội Thánh không dám đặt ra Hội Đồng Chưởng Quản vì trái với hiến pháp Đạo. Năm 1978, với Bản Án Cao Đài, chính quyền nói rằng chức sắc khai đạo là phản quốc, phản Cách Mạng. Vì vậy họ bắt Hội Thánh phải giải tán, và bắt lập ra Hội Đồng Chưởng Quản, chịu ảnh hưởng của chính quyền Cộng Sản để điều hành đạo.”
Hội Đồng Chưởng Quản, trên thực tế, có nhiệm vụ xử lý thường vụ những vấn đề liên quan đến đạo Cao Đài, trong đó có cả việc coi sóc những tài sản không nằm trong danh sách bị tịch thu theo quyết định số 124/QĐ-UB ngày 4 tháng Sáu năm 1979 của chính quyền tỉnh Tây Ninh.
Kể từ thời điểm ấy, có thể quan niệm, rằng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không còn cơ quan đứng đầu có thẩm quyền ban bố đạo lịnh, mà chỉ còn cơ quan xử lý thường vụ, mang tên “Hội Đồng Chưởng Quản.”
Khởi thủy, Hội Đồng Chưởng Quản gồm 12 vị, là những chức sắc của đạo Cao Đài vào thời điểm ấy. Theo thời gian, những thành viên của Hội Đồng Chưởng Quản lần lượt qua đời và được thay thế bằng những thành viên mới.
Trong quan niệm của những tín đồ và chức sắc thuộc về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nguyên thủy, thì cách hành xử của Hội Đồng Chưởng Quản dần dần đi xa những qui định trong Tân Luật và Pháp Chánh Truyền của đạo Cao Đài.
Đối với người Cao Đài, Tân Luật là hiến chương, và Pháp Chánh Truyền là hiến pháp. Trên cơ sở đó, không một cá nhân hay một thiểu số nào có quyền thay đổi hiến chương và hiến pháp đạo. Người duy nhất có thẩm quyền làm điều ấy, không ai khác, là tất cả tín đồ và chức sắc của đạo. Vẫn theo lời hiền tài Nguyễn Thanh Liêm.
“Pháp Chánh Truyền, nói nôm na, là hiến pháp của Đạo, do Thượng Đế làm ra qua Cơ Bút. Từ hiến pháp, các chức sắc triền khai lập ra Tân Luật. Luật phải do người ở “thế” lập. Tân Luật là do người dưới phàm lập ra để hành đạo theo đúng đường lối Đức Chí Tôn chỉ dạy.”

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh

Trên thực tế, theo lời của những tín hữu Cao Đài nguyên thủy, Hội Đồng Chưởng Quản đã thay đổi hiến chương của đạo với sự chấp thuận của nhà nước Việt Nam. Cụ thể, năm 1997, tức 9 năm sau Bản Án Cao Đài và 8 năm sau lệnh giải thể Hội Thánh, Hội Đồng Chưởng Quản lập ra một tổ chức mới, mang danh hiệu “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh.” Đây là một chi tiết khá tế nhị, và theo quan niệm của những phía tranh chấp, là hết sức quan trọng trong những mâu thuẫn của Đạo.
Theo nhận định của một đạo hữu, hiện đang sinh sống tại Tây Ninh, và cũng là người tham gia trực tiếp vào sự kiện Gốc Bồ Đề ngày 17 tháng Ba, thì danh hiệu mới có 10 chữ, và không đồng nhất với danh hiệu nguyên thủy, chỉ có 6 chữ, là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”
“Năm 1997, họ lập ra một tổ chức khác, với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, với 10 chữ. Danh hiệu gốc chỉ có 6 chữ thôi, có từ năm 1926 cho đến năm 1979 phải ngưng vì “bản án Cao Đài.” Từ 1979 đến 1997 là giai đoạn chuyển tiếp lập ra Hội Đồng Chưởng Quản. Sau đó, do sự lèo lái của chính quyền, Hội Đồng Chưởng Quản lập ra chi phái mới với danh nghĩa “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh,” chiếm đoạt toàn bộ cơ ngơi của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nguyên thủy và đi sai đường lối tôn giáo.”
Sự ra đời của tổ chức với danh hiệu 10 chữ, theo quan niệm của những tín hữu Cao Đài nguyên thủy, là không đúng với giáo luật của đạo. Người đạo hữu vừa nói nhận định tiếp rằng sự ra đời của danh hiệu 10 chữ là “sai từ bản chất.”
Họ còn sai ở pháp, là Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định. Đạo Nghị Định thứ 8 nói rõ, những chi phái nào có gốc bởi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lập thành mà không do nơi mạng lịnh của Hội Thánh thì đó là bàng môn tả đạo. Họ sai như vậy, và chứng minh từ đó chứng minh ra.”
Bên cạnh đó, tín hữu Cao Đài cũng nhận định, là hoạt động của những người được giao phó trọng trách điều hành đạo đã không theo đúng tôn chỉ và tư tưởng nguyên thủy.
“Cao Đài thực thi 3 mặt: lập trường học, lập viện dưỡng lão ấu và lập tịnh thất. Từ năm 1926 đến 1979, Hội Thánh lập ra nhiều trường học, nhà thương và năm 1971 thì Tây Ninh có trường đại học đầu tiên. Còn Hội Đồng Chưởng Quản thì không lập bất cứ nhà thương, trường học nào cả. Họ để người ta cúng tiền rồi dùng tiền đó sinh hoạt. Đường lối của đạo là phụng sự nhơn sanh, còn họ là yêu cầu nhơn sanh phụng sự cho mình.”

Khi giọt nước tràn ly

Chính những sai biệt, có thể gọi là chệch hướng trong hoạt động và những mâu thuẫn với qui định của Tân Luật và Pháp Chánh Truyền đạo Cao Đài là giọt nước làm tràn ly, là nguyên nhân trực tiếp đưa đến cuộc cầu nguyện phản đối Hội Đồng Chưởng Quản tại Gốc Bồ Đề vào ngày 17-3-2008 vừa qua.
Liên quan đến những nhận định của các tín hữu Cao Đài nguyên thuỷ mà chúng tôi vừa nêu, trong một nỗ lực ghi nhận ý kiến phản biện từ phía Hội Đồng Chưởng Quản, chúng tôi đã liên lạc với Toà Thánh, được cho số điện thoại riêng của Hội Trưởng Hội Đồng Chưởng Quản, nhưng tất cả các cuộc gọi đều không có người trả lời.
Tóm lại, xét ở khía cạnh sâu xa, thì sự kiện Gốc Bồ Đề là hệ quả của một mâu thuẫn âm ỉ kéo dài 30 năm qua, bắt đầu vào ngày 20-9- 1978. Ngày ấy, chính quyền tỉnh Tây Ninh cho công bố một văn bản kết án các chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài. Ngày ấy, “Bản Án Cao Đài” được công bố. Một năm sau, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị cưỡng bách giải thể, đánh dấu sự khởi đầu cho một chặng đường thăng trầm!
Vừa rồi là những chi tiết liên quan đến cuộc cầu nguyện bất thành ngày 17 tháng Ba năm 2008 vừa qua tại Tòa Thánh Tây Ninh. Như chúng ta đã thấy, cuộc cầu nguyện chỉ là dấu hiệu trực tiếp phản ánh một tiến trình tranh đấu âm ỉ, nhưng quyết liệt, kéo dài 30 năm qua của những tín đồ Cao Đài nguyên thuỷ. Trong phần trình bày sau, chúng tôi sẽ kể lại câu chuyện liên quan đến Bản Án Cao Đài năm 1978, là văn kiện đánh dấu sự mở đầu cho “quá trình suy trầm nhất” trong lịch sử Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.   Đường link: