Trang

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

2595. BNS HÒA BÌNH CHUNG SỐNG SỐ 09.


“Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây”.
Kinh Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường.

Kiến thiết đường giao thông trong Châu Thành Thánh Địa tỉnh Tây Ninh ẩn chứa nhiều điều kỳ thú. Bởi vì đó là một thể pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Tại sao gọi là thể pháp? Bởi vì 05 chương trình gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo của Hội Thánh dùng để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh là bài bản của thiêng liêng chỉ dạy. Bố trí đường sá trong Châu Thành Thánh Địa có sự sắp xếp của thiêng liêng nên nó là một thể pháp. Trong bài nầy chúng tôi giới thiệu một thể pháp đặc biệt: Lộ Trung Tim.
1/- Mô tả Lộ Trung Tim.

Theo cách đặt tên đường của Hội Thánh Cao Đài có chữ LỘ đứng trước. Chữ lộ hiểu là đường thì chắc chắn là đúng. Nhưng khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Đức Chí Tôn dạy rằng dùng tiếng An Nam làm chánh tự. Lấy đó mà hiểu thì chữ lộ còn có nghĩa là hiện ra. Cho nên chữ Lộ Trung Tim được hiểu như con đường tên Trung Tim không sai. Còn như hiểu rằng con đường đó thể hiện trung tâm điểm của Đại Đạo (bao gồm con người, tôn giáo, xã hội) là hiểu theo đạo học.




Ảnh 1: Lộ Trung Tim (A à Z).
Lộ Trung tim là con đường đi từ hướng Bắc về hướng Nam (từ A à Z). Khởi tính từ đường Phước Đức Cù (nối với đường Phổ Đà Sơn, còn gọi là cua Lý Bơ “vì khi xưa Giáo Sư Lý Bơ mở lớp dạy Anh Văn trên đoạn đường đó”). Đi lần đến Báo Quốc Từ. Đi tới nữa là Long Hoa Thị. Qua khỏi Long Hoa Thị đi tiếp là đến ngã ba Giang Tân. Tại đây Lộ Trung Tim gặp quốc lộ 22 và hết.
2/- Gươm Trí Huệ tại Nghinh Phong Đài.
Nghinh Phong Đài Tòa Thánh Tây Ninh có bố trí một con Long Mã chạy từ hướng Đông sang Tây và đầu quay lại ngó về phương Đông.
Ngụ ý rằng Đạo khởi từ phương Đông, sau đó xuất sang phương Tây nhưng vẫn phải giử cái gốc là đạo đức.


(Ảnh Long Mã cõng Bát quái và Gươm trí huệ)
Trên lưng Long Mã có cõng một Bát Quái. Có một cây gươm xuyên qua Bát Quái (cây gươm theo trục Đông Tây và từ trên chỉa xuống). Bát quái từ Tiên Thiên (8 quẻ), đến Hậu Thiên (64 quẻ) hay Đồ Thiên (bố trí tại Bát Quái Đài Tòa Thánh Tây Ninh) cũng đểu thể hiện cho sự nổ lực của con người để nhận thức về thế giới tự nhiên, về các vấn đề trong xã hội và chính nội tâm mỗi người. Cây gươm xuyên qua Bát Quái tượng trưng cho trí tuệ của nhân loại. Nên còn được gọi là gươm trí huệ hay gươm thần huệ.
Ý nghĩa Long Mã trong dịch lý.
Quẻ Càn (Kiền): là quẻ đầu tiên của kinh Dịch. Sáu hào của quẻ Càn gọi là thời thừa lục long (thì thừa lục long dĩ ngự thiên dã; tạm hiểu: sáu giai đoạn phát triển của trí tuệ “long/rồng”). Bởi vì rồng là con vật không có thật, nó thay đổi tùy theo sự phát triển của trí tuệ và tâm linh. Rồng (long) tượng cho trí tuệ. Theo chổ hiểu của chúng tôi thì chữ Long trong Long Mã tượng cho cái dụng của quẻ Càn (sáu hào dương hay dụng cửu).
Quẻ khôn viết: Khôn nguyên hanh lợi tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng. Dịch nghĩa. Quẻ Khôn: Đầu cả, hanh thông, lợi về nết trinh của ngựa cái. Quân tử có sự đi. Người xưa đã dùng đức tính của con ngựa cái tượng cho sự bền bĩ, trinh chính trong đạo phụng sự (bầy tôi); bởi vì Càn là sáng tạo đã xong, Khôn theo đó mà tạo ra cuộc luân chuyển hóa sanh trong cõi ta bà, mà đi trong cõi ta bà thì gặp đủ thứ vấn đề nên phải lấy đức trinh bền, nhu thuận của con ngựa cái. Chữ Mã trong Long Mã tượng cho cái dụng của quẻ Khôn (sáu hào âm hay dụng lục).
Trong Đạo Cao Đài thì Càn tượng cho trời.  Khôn tượng cho đất. Càn Khôn tượng cho Đại Đạo. Có Bát quái tiên thiên (8 quẻ) rồi khi xã hội phát triển thì 8 quẻ đó không đủ để diễn tả hết các vấn đề trong xã hội nên cần có sự chi tiết hơn mới sanh ra Bát quái hậu thiên (64 quẻ). Như vậy về xã hội học thì bát quái (Tiên thiên, Hậu thiên hay Đồ thiên) cũng tượng cho các vấn đề con người phải đối diện. Trong xã hội có xã hội đạo và xã hội đời, chủ đích bài nầy là chỉ đi vào phần thể pháp để xây dựng đạo và bảo tồn quốc túy mà không đi sâu vào dịch lý Đồ thiên vốn là một lãnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu.
Tóm lại: Long mã trên Nghinh phong đài tượng cho Đại Đạo khởi từ phương Đông (Việt Nam) truyền qua phương Tây. Muốn làm như thế phải có sự hiểu biết về con người và xã hội để viết ra giáo án. Giáo án, sử chương phải phù hợp với 02 luồng tư tưởng phương Đông (Đông Lang) và phương Tây (Tây Lang). Dù theo luồng tư tưởng nào cũng phải lấy đạo làm gốc.
(Lưu ý là hai cái đồng hồ ở Đông Lang và Tây Lang song song nhau và song song với hướng chạy của Long Mã, nghĩa là cùng nhau nhìn về một hướng. Nó khác với Đông Khán Đài và Tây Khán Đài đối diện nhau, từ hai hướng đối nhau nhưng cùng nhìn vào mục tiêu)
3/- Gươm Trí Huệ trong nhân thế.
Từ đối chiếu Lộ Trung Tim với Gươm Trí Huệ tại Nghinh Phong Đài chúng tôi thấy rằng đã đủ yếu tố để gọi Lộ Trung Tim là Gươm Trí Huệ trong nhân thế.

Một câu hỏi cần phải nêu ra là: Tại sao Gươm Trí Huệ phải đi qua Báo Quốc Từ và Long Hoa Thị?
Xin thưa rằng: trí tuệ có được là do sự học hỏi và rèn luyện của từng cá nhân, trí tuệ đó phải được thể hiện qua hành động. Hành động là cơ sở để xã hội nhìn nhận hay kiểm chứng xem nó có hữu ích chi cho quốc gia và thế giới chăng.
3.1/- Tại sao qua Báo Quốc Từ?
Báo Quốc Từ để làm gì? Xin thưa để tưởng nhớ và thờ phượng tiền nhân.
Ai được thờ phượng tại Báo Quốc Từ? Theo chổ hiểu của chúng tôi thì trước năm 1975 Báo Quốc Từ thờ Quốc tổ Hùng Vương, các vị khai quốc công thần, chiến sĩ trận vong. Ba cựu hoàng Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Sau có thêm Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Tướng Trình Minh Thế. Như vậy Báo Quốc Từ là nơi thờ phượng các bậc tiền nhân có công với nòi giống, giang san, đạo pháp.
Phụng sự cho đạo pháp là gì?
Theo chúng tôi nhận định nhiệm vụ quan trọng là góp phần để thực thi đôi liễn:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Đôi liễn (công thức) nầy được trưng ra công khai cho cả thiên hạ biết và kiểm chứng. Đức Chí Tôn dạy ngày 01. 02. 1927:
Ấy vậy các con phải lưu tâm mà chấn hưng mối Đạo; ấy là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương thoát tục. Cơ Trời Thầy không lẽ tỏ ra đây, song các con nên biết xét mình là đứng vào địa vị tối cao hơn muôn loại, nên các con phải có trí độ phi phàm thì mới có đủ tư cách làm người… (hết trích).
(TNHT Q1 trang 73. Tái bản lần 2, năm 2011, Hoa Kỳ (Tạp chí Ánh Sáng Phương Đông).
Chấn hưng mối đạo là gì?
Một trong những nội dung chính là biết tạo ra sự cộng hưởng để xây dựng hòa bình, dân chủ, tự do.
Xây dựng cho ai?
Xin thưa cho bản thân, gia đình, tôn giáo và xã hội.
Căn cứ vào lời dạy trên và kết hợp với đôi liễn (công thức) để hiểu thì các giá trị hòa bình, dân chủ, tự do của Đạo Cao Đài phù hợp với những giá trị chung của nhân loại trong thời toàn cầu hóa.
Ngày 10-9-1958 Đức Hộ Pháp giảng về:  Nhơn Sanh nhập vào trường thi…
Buổi Hạ Nguơn nầy mãnh liệt vô cùng khốc liệt, nên các cơ quan Đại Đồng Thế Giới phải nhập cuộc trường thi Phong Thánh. Bần Đạo quả quyết cho Nhơn Sanh tự thức giác, có nghĩa là cuối Hạ Nguơn Tam Chuyển, bắt đầu Nguơn Tứ Chuyển thì mở cửa cho cả thiên hạ nhập trường chung cuộc khảo thí.  (hết trích).
Cho nên đôi liễn:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
cũng chính là đề thi cho thời Tam kỳ phổ độ.
Trong thời toàn cầu hóa thì cả nhân loại đang xây dựng cuộc sống hòa bình, dân chủ, tự do. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là một bằng chứng. Điều 18 của Tuyên Ngôn khẳng định quyền tự do tôn giáo hay niềm tin.
TNNQQT, điều18: Tất cả mọi người đều có quyền tự do có tư tưởng, tự do có lương tâm và tự do có tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay thế giới quan của mình cũng như quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan của mình bằng cách giảng dạy, thực hành, thờ phụng và tuân thủ giáo điều cho riêng cá nhân mình  hay chung với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư
Các cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức công dân (xã hội dân sự) phải chăng đang xây dựng những giá trị nhân quyền chung cho toàn nhân loại? Các cơ quan nhân quyền LHQ xây dựng, đề cao giá trị dân chủ, tự do là để xây dựng hòa bình cho nhân loại. Cho nên họ cũng đang giải đề thi.
Nghĩa là dù cho Đại Đạo hay các cơ quan đại đồng thế giới cũng đều xây dựng một xã hội trong đó con người được sống xứng đáng với nhân phẩm. Chúng tôi nói về mục đích hai bên theo cách hiểu về lời giảng của Đức Hộ Pháp mà chưa đi vào phần giải pháp và phương tiện.
Muốn giải quyết bài thi người đạo chúng ta phải làm gì?
Theo chúng tôi hiểu là phải thực thi tam lập (lập công, lập đức, lập ngôn) để giải quyết đề thi. Phải chuẩn bị đề cương, giáo án minh bạch.
Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi. (Kinh Đệ Thất Cửu).
Chuẩn Đề là chuẩn bị đề cương, giáo án. Chúng tôi hiểu Chuẩn Đề như một công thức trong Di Lặc Chơn Kinh. Chìa khóa để hiểu Chuẩn Đề như một công thức là do Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa để lại. Khi giảng về các bài Kinh Cửu Ngài có giải thích: Nên lưu-ý là danh-hiệu các vị Phật nêu trong kinh Di-Lạc ở các tầng Trời từ Hạo-Nhiên Pháp Thiên đến Hỗn-Ngươn Thiên không có đề Phật-danh của mỗi vị mà chỉ có đề nhiệm-vụ của mỗi vị mà thôi.
Đó cũng là nguyên do vì sao khi đọc Di Lặc Vương Phật hay Nhiên Đăng Cổ Phật chỉ lạy có một lạy. Khi mới học đạo chúng tôi rất thắc mắc vì sao giáo lý dạy lạy Tiên Phật thì 09 lạy mà khi đọc Nhiên Đăng Cổ Phật, Kim Bàn Phật Mẫu … lạy có một lạy? Nhiều vị giải thích tại nhiều quá lạy không nổi nên chế bớt. Than ôi! Bí quá thì giải thích như thế nghĩ lại thương nhau quá đi. Mãi khi đọc lời dạy của Ngài Hồ Bảo Đạo trên đây chúng tôi mới được soi sáng.
Người đạo Cao Đài phải biết tạo sự cộng hưởng với các cơ quan đại đồng thế giới để thêm sức cho nhau, trong công cuộc cộng hưởng đó phải lấy đạo đức làm gốc. Phải giử gìn những giá trị của đạo (cho nên Long Mã chạy về Tây mà đầu vẫn ngó về Đông). (Chữ Đông nầy cũng là điểm xuất phát để hiểu chữ Đông trong câu: Về Đông hết kế Tử Phòng trong bài Ngụ Đời của Đức Lý Giáo Tông.)
3.2/- Tại sao Gươm thần huệ phải qua Long Hoa Thị?
3.2.1/- Sơ lược về nguồn gốc Long Hoa Thị.
Long Hoa Thị hiện nay do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) ra lịnh khởi công xây dựng ngày 12-11 Nhâm Thìn (1952).
Khi khởi công xây dựng Long Hoa Thị có nhiều chức sắc cao cấp tham dự, xã hội có Kỹ sư Lưu Văn Lang (thường gọi Bác vật Lang). Chợ thiết kế theo hình bát quái đồ thiên (là Bát quái tại Bát Quái Đài). Theo lời phê của Đức Hộ Pháp thì Long Hoa Thị mở rộng ra đến Bến Kéo.

Ảnh Long Hoa Thị từ internet.

3.2.2/- Quyền sở hữu Long Hoa Thị.
Cũng theo lời dạy của Đức Hộ Pháp thì Long Hoa Thị thuộc sở hữu chung của toàn đạo không cho ai có quyền tư hữu trên đó. Hội Thánh quản lý thấy nhà nào nghèo thực sự thì xem xét và cấp cho một chổ để mua bán, khi qua cảnh khó khăn phải trả lại cho Hội Thánh để giúp đở cho người nghèo khó khác. Long Hoa Thị bán toàn đồ chay, không đem đồ mặn vào đó. Đức Hộ Pháp buộc như vậy vì đó là chợ chuyển thế.
3.2.3/- Long Hoa Thị chuyển thế.
Khi đó ông Trung Úy Nguyễn Ngọc Lầu thỉnh giáo về ý nghĩa chợ chuyển thế. Đức Ngài trả lời rằng: Thầy muốn để cho nhơn sanh, con cái của Đức Chí Tôn tìm mà hiểu biết, rồi tùy theo ý muốn của nhơn sanh muốn cái gì thì nó sẽ biến ra cái nấy…. Các con lưu ý nhìn cái Long Hoa Thị biến chuyển ra sao thì các con biết trước những việc đó là gì. Thôi, việc Thiên cơ Thầy không nói nữa, các con tìm hiểu (trích ý).
Việc nầy sẽ có 03 Hội lập quyền vạn linh định đoạt.
Đức Hộ Pháp không giải thích hết, Ngài để một khoản trống và khuyến khích người đạo tìm hiểu. Cho nên đã cuốn hút rất nhiều chất xám của người đạo để đưa ra lời giải thích. Chúng tôi cũng mạo muội đưa ra một cách giải thích.
3.2.4/- Muốn chuyển thế phải làm gì?
Muốn chuyển thế phải cung ứng được nhu cầu chính đáng cho đời sống từ vật chất đến tinh thần, theo đúng qui luật cung cầu. Muốn có nguồn cung thì phải có những phát minh mới. Muốn có phát minh mới phải có trí tuệ. Muốn có trí tuệ phải tu thân theo 04 công thức tại Bao Lơn Đài (bên ông Thiện). Bốn công thức đó là: Cần mẫn học tập (Ngưu giác quải thư), thanh liêm (Hứa Do, Sào Phủ), tri âm, tri kỷ à nhơn nghĩa (Bá Nha Tử Kỳ) và chí nhẫn (Khương Thượng & Võ Kiết).
Còn xây dựng xã hội thì theo 04 công thức bên ông Ác: Xây dựng hạ tầng (Vua Hạ Võ trị thủy); chương trình lương thực (ông Thuấn làm ruộng); chương trình khoa học và giáo dục (Toại Nhân, Hữu Sào); sách lược kinh thương (Phạm Lãi, Tây Thi). Chát xám của đạo phải cung ứng bài bản tu thân và xây dựng xã hội như hai thanh thép tạo nên đường ray để XE NHƯ Ý (Kinh Đệ Ngũ Cửu: Dựa xe Như Ý oai thần tiễn thăng) của đại đạo qua Báo Quốc Từ và Long Hoa Thị.
3.2.5/- Ai làm việc đó?
Đó là Hội Thánh Cao Đài, đó là trách nhiệm của tất cả những người đã nhập môn cầu đạo.  Bằng cớ là Kinh Nhập Hội câu 17, 18:
Cơ chuyển thế khó khăn lắm nỗi,
Mượn thánh ân xây đổi cơ Đời
Căn cứ vào kinh sách của Hội Thánh ban hành mà luận về trách nhiệm thì không ai chối bỏ được. Thánh Thất, Điện Thờ, Hương đạo, Ấp đạo đều có hội ít nhất một tháng một lần, mà có hội phải đọc Kinh Nhập Hội. Đọc kinh rồi phải làm đâu thể chờ người khác làm.
Nhập môn cầu đạo thì phải biết rằng Lời minh thệ là một tiền đề cơ bản. Lời minh thệ ghi rõ: … Thề rằng: Từ đây biết có một “Đạo Cao Đài Ngọc Đế, … hiệp đồng chư Môn Đệ, gìn luật lệ Cao Đài. …”; theo đó thì chỉ có một Đạo Cao Đài của Ngọc Đế lập năm 1926, nếu có một Đạo Cao Đài nào ra đời sau đó thì phải biết ngay rằng đó không phải của Ngọc Đế (chi phái 1997 là do cộng sản Việt Nam lập ra). Bởi vì Ngọc Đế trước sau như một; Ngài đã dạy rõ chỉ có MỘT Đạo Cao Đài của Ngọc Đế thì cứ theo đó mà hành đạo. Nghĩa là Hội Thánh Cao Đài và toàn đạo phải đảm đương nhiệm vụ xây cơ chuyển thế để bảo tồn vạn linh.
3.2.6/- Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là một phát minh.
ĐĐTKPĐ ra đời để làm chứng trước nhân loại rằng con người có thể nối kết được với các Đấng cao trọng trong thế giới vô hình. Các Đấng sẳn lòng giúp nhân loại xây dựng xã hội hoà bình, dân chủ, tự do. Đó là xây dựng nền văn minh mới (Văn minh tâm linh hay Văn minh Cao Đài Giáo) cho nhân loại trong thời toàn cầu hóa.
ĐĐTKPĐ nối kết được với các Đấng Thiêng liêng cao trọng chính là một phát minh. Phát minh nầy là gốc cho những phát minh sau đó. Thời điểm của phát minh gốc chính là ngày Trung Thu năm Ất Sửu (1925). Đó là ngày Đức Chí Tôn dạy lập Hội Yến Diêu Trì Cung tại nhà Đức Cao Thượng Phẩm.
Bởi vì trong Lễ Hội Yến đó có 03 người mang xác phàm là Ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang ngồi dùng yến tiếc với Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương và bà Nguyễn Hương Hiếu là người tiếp đãi.
Nghĩa là con người đối diện với thiêng liêng để học hỏi điều hay lẽ phải. Từ đó đem truyền bá cho nhân loại, nhân loại có quyền tin và có quyền không tin. Người tin lại chia ra làm nhiều diện. Có diện tuyệt đối tin tưởng, sùng kính hết mức và thể hiện bằng cách cúng kính và cầu nguyện hằng ngày để tu thân. Có diện tìm hiểu để thực thi các bài bản trong tôn giáo ra xã hội … mỗi người một vẽ còn như có vẹn mười hay không thì không bàn đến ở đây.
Khai ĐĐTKPĐ thầy dùng tiếng An Nam làm chánh tự. Cho nên chữ yến còn có nghĩa là ánh sáng trong màn đêm. Như vậy Hội yến còn một nghĩa nữa là hội tụ các sáng kiến, các phát minh.
Diêu Trì Cung do Phật Mẫu làm chủ. Phật Mẫu chủ về việc nuôi dưỡng muôn loài, từ vật chất đến tinh thần. Cửu vị tiên nương có trách nhiệm đối với Cửu viện của ĐĐTKPĐ, mỗi vị tiên nương phụ trách một viện (xem Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp, bài 01). Phật Mẫu vâng lịnh Đức Chí Tôn đến độ rỗi cho con cái của Ngài, muốn độ rỗi phải có một nền văn minh mới phù hợp với tài nguyên và môi trường sống trong thời toàn cầu hóa. Bức phù điêu thờ Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ có Ngài Đông Phương Sóc đứng cung kính nâng một cái dĩa. Trong dĩa có 04 quả đào tiên do Đức Phật Mẫu ban cho nhân loại. Tại sao là bốn quả mà không phải là một con số nào khác?
Bởi vì 04 quả đào tượng trưng cho 04 nền văn minh: Văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh điện, điện tử và thời tam kỳ là văn minh tâm linh (thiên nhân hiệp nhứt; Trời, Người đồng trị).
Phù Điêu thờ Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ (Tây Ninh). Một: Ngài Đông Phương Sóc nhận 04 quả đào tiên do Phật Mẫu ban cho. Hai: Hớn Vũ Đế cung nghinh Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương.
Đặc trưng của văn minh tâm linh là con người kết hợp với các Đấng cao trọng để thực hiện. Các Đấng không có xác phàm nên không thể thực hiện được những công việc cần có xác phàm. Con người có xác phàm, có trí óc, có lương tâm nhưng bị thâm nhiễm bụi trần nên thường là không đủ sáng suốt. Do vậy phải nhờ sự giúp đở của thiêng liêng. Hơn nữa mổi xác phàm đều hiện hữu một thời gian rồi phải bỏ. Khi bỏ xác phàm thì cái trí khôn vẫn còn tồn tại nhưng không có môi trường để vận dụng. Đức Thích Ca, Đức Chúa Jésus hành đạo một thời gian rồi phải bỏ xác phàm. Khi đã bỏ xác phàm thì môn đệ tiếp tục, nhưng không thiết lập được cách liên lạc với Phật, với Chúa nên các Đấng khó có thể tiếp tục hướng huấn môn sinh. Nền văn minh tâm linh khi khởi đầu đã có sự nối kết với các Đấng thiêng liêng và trong suốt chu kỳ đều có các Đấng phò trợ qua cơ bút tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh.
Nền văn minh nào cũng phải có những phát minh, cho nên văn minh Cao Đài Giáo cũng trong lẽ cố nhiên ấy. Ngày Hội Yến Diêu Trì Cung năm 1925 là ngày khởi đầu cho một nền văn minh mới thì ngày Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hằng năm chính là ngày trình chánh phát minh của cá nhân hay tập thể ra xã hội. Cá nhân hay tập thể có thể là người trong tôn giáo Cao Đài, tôn giáo bạn hay người không theo một tôn giáo nào, không phân biệt một đảng phái nào, một chủ nghĩa nào, miễn là họ chủ động hợp tác với đạo để trình chánh.
3.2.7/- Tại sao không phân biệt?
Bởi vì Phật Mẫu là mẹ chung của cả nhân loại, tình thương của Mẹ là đại bi, đại ái, cho nên trước mắt của Phật Mẫu chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Tình thương của mẹ là vô điều kiện. Chứng cứ rõ ràng nhất là khi cúng Phật Mẫu thì người đạo đều mặc đạo phục như nhau, không được mặc thiên phục. Còn người ngoài tôn giáo muốn cúng cũng tự nhiên như về nhà của người mẹ thân yêu. Quan sát cảnh cúng Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hằng năm ta thấy người mặc đạo phục, người mặc thường phục, ngồi cạnh nhau trên sân rồi tới ngoài đường hướng về Phật Mẫu, mặc cho mưa thu thì cảm nhận được tình ý thân thiện, nồng nàn của chúng sanh đối với Mẹ thiêng liêng.
Như vậy bất cứ ai có công trình nghiên cứu, sáng kiến hay phát minh và muốn trình chánh vào ngày 15. 08. Âm Lịch (là ngày Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung) thì liên hệ với hệ thống hành chánh tôn giáo nơi địa phương để Hội Thánh Anh biết và sắp xếp cho việc trưng bày. Đạo Cao Đài không có quyền từ chối nếu phát minh đó đúng với chủ trương hòa bình, dân chủ, tự do (theo đề thi nêu trên).
Hội Thánh sẽ lập phái đoàn tiếp nhận các công trình đó rồi giao về cho Cửu viện nghiên cứu xem xét đã hoàn chỉnh chưa. Khi đã xong thì giao qua cho Hàn Lâm Viện xem lại trước khi giao qua Hội Thánh công bố.
(Hội Thánh minh giao sách Trường Xuân. Kinh Đệ Tam Cửu).
Vậy Ngày công bố là ngày nào? Theo chúng tôi dự đoán là ngày Vía Đức Chí Tôn hằng năm.
3.2.8/- Công bố rồi làm gì?
Thiễn nghĩ công bố xong xuôi thì đem ra trưng bày tại Long Hoa Thị. Nghĩa là trí tuệ tinh anh (Long) và đẹp đẽ (Hoa) được thể hiện nơi thập mục sở thị (Thị).   
Khi đã trưng bày thì bất cứ ai cũng có đủ quyền đến quan sát và thấy thích hợp thì liên hệ với Hội thánh để được hướng dẫn, giúp đở cách thức vận dụng công trình đó để xây dựng đoàn thể, quê hương mình. Đúng với phương châm: Cái đẹp của quê hương anh do chính anh xây dựng mà có.
Nghĩa là từ Long Hoa Thị sẽ cung cấp điều kiện ắt có và đủ để nhân loại xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cuộc sống bấp bênh chưa có nồi mơi đã lo buổi tối sẽ lùi xa. Chính cái nghèo nàn về tinh thần đem đến sự nghèo khó về vật chất. Long Hoa Thị là tài nguyên, là môi trường để nâng người ít hiểu biết thành người có hiểu biết, nâng người nghèo khó về vật chất có cuộc sống ấm no và đi đến sung túc. Đó là làm cho đời sống thay đổi. Đó là chuyển thế.
Ý nghĩa chuyển thế như vậy Hội Thánh hoàn toàn chủ động chứ không phải chờ ai làm dùm hay ban phát.
3.2.9/- Hội thánh có lấy tiền với các phát minh nầy không?
Theo chúng tôi nghĩ là không (còn sự việc thế nào là do 03 Hội lập quyền quyết định). Bởi vì Trời tạo lập ra môi trường sống cho vạn loại và Trời không hề bán thứ gì do Trời tạo ra. Vậy thì đạo của Trời phải giống Trời. Không thể ra giá muốn xài phát minh nầy phải trả bao nhiêu tiền. Nếu Hội Thánh ra giá như thế thì không bao giờ chuyển thế được. Nó sẽ rơi vào cái vòng luẫn quẫn, do nghèo không có tiền trả cho phát minh, và do không dùng được phát minh nên tiếp tục nghèo. Không chuyển thế được thì nhiệm vụ của Đạo Cao Đài chưa hoàn thành. Chưa tạo điều kiện để Lãng tử cô nhi tảo hồi hương lý. Can qua vĩnh tức giáp mã hưu chinh (U Minh Chung) thì chưa thể thực hiện được Cơ chuyển thế.
3.2.10/- Vậy tiền ở đâu để trả cho những nhà phát minh?
Xin thưa rằng Cơ quan Phước thiện sẽ là nơi cung cấp tài chánh cho Hội Thánh sử dụng trong công cuộc an bang tế thế. Cho nên khi lập thành cơ quan Phước Thiện Đức Hộ Pháp dạy rằng QUỐC ĐẠO đã nên hình. Cơ quan Phước Thiện chính là bộ máy kinh thương, là nguồn máu luân lưu để nuôi sống hành chánh.
Trên thực tế những người có sáng kiến phụng sự nhân loại qua cánh cửa hòa bình, dân chủ, tự do là họ đã không xem nặng vấn đề vật chất. Cái vui của họ là sống đời có hữu ích. Cho nên lo cho cuộc sống của họ không phải là điều gì quá tầm tay của Hội Thánh.
Kết luận:
Đạo Cao Đài lấy Gươm trí huệ từ Nghinh Phong Đài để lập ra Lộ Trung Tim là một thể pháp. Đạo bố trí Gươm trí huệ qua Báo Quốc Từ rồi đến Long Hoa Thị thể hiện rằng: vấn đề trung tâm của người Đạo Cao Đài là phải học tập và rèn luyện cho có trí tuệ để thực thi tam lập. Thực thi phải có trọng tâm: xây dựng cho quê hương mình có hòa bình, dân chủ, tự do (Báo Quốc Từ). Qua đó đóng góp những sáng kiến, phát minh, công thức qua hai phương hướng: tu thân và xây dựng xã hội theo thể pháp tại Bao Lơn Đài.
Những giáo án, sử chương, công thức khi đã hoàn chỉnh sẽ đem trưng bày tại Long Hoa Thị. Cá nhân hay tập thể đều có thể dùng đó để nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình, cộng đồng rộng lớn hơn. Làm cho cuộc sống thay đổi tốt hơn, có ý nghĩa hơn; làm cho người nghèo khó có cuộc sống ấm no, người ít học có thêm hiểu biết, làm cho con người biết sống trong lẽ đạo và biết quí trọng nhau qua đạo đức; đó là chuyển thế.
Long Hoa Thị là nơi trưng bày các công thức để xã hội thị chứng, cho nên đó là chợ chuyển thế. Trí huệ phải được kiểm chứng, cầu chứng qua việc xây dựng con người, quê hương và chuyển thế. Điều nầy phù hợp với nội dung chấn hưng mối đạo là kế bảo tồn quốc hồn quốc túy cũng lại là phương châm thoát tục.
Ngày 06. 12. 1938 Đức Hộ Pháp dạy rằng:  Dầu ta có cúng lạy cho đến dập đầu bể trán mà không phụng sự cho Vạn Linh thì cũng không ích lợi gì cho Trời Phật (hết trích).
Kết hợp thể pháp với lời dạy Đức Hộ Pháp sẽ đi đến nhận định:
Tu theo Tam Kỳ Phổ Độ là phải sửa mình cho có hạnh đức, có trí huệ và làm cho đời tệ hóa ra hay. Muốn đạt được mục đích ấy, muốn làm bài thi cho chính bản thân mình phải ngược xuôi trong giang trường hỗn độn, xông pha nơi khổ hải, binh vực người bị cường quyền áp bức, đem công lý đánh đổ cường quyền. Hậu tấn không hiểu được điều đó, không làm được điều đó thì nền triết lý của Đức Chí Tôn, công trình của các tiền bối khai đạo trở thành việc cấy lúa trên đá./.
Biên soạn.
Đạo Hữu Dương Xuân Lương.
SĐT: 469 642 4667.
Skype: thu.john2



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

BẢN NHẬN XÉT & ĐỀ NGHỊ.
Về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 01/09/2016”.

Kính gửi Quốc hội Việt Nam,
Chúng tôi là những tham dự viên Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam ký tên dưới đây, có nhận xét và góp ý về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo ngày 01/09/2016 (DT LTN, TG 01/09/2016). Chúng tôi trình bày 03 phần: Các căn cứ; nhận xét và đề nghị sửa đổi một số điều cụ thể; tổng kết và đề nghị.
A/- PHẦN CĂN CỨ:
Chúng tôi có 06 căn cứ:
I/- Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 tại Điều 24.
Đây là điều hiếm hoi trong Hiến pháp không có câu thòng: theo quy định của pháp luật.
Có nghĩa là DT LTN, TG 01/09/2016 phải theo Điều 24.
II/- Căn vào DT LTN, TG 01/09/2016: Điều 1 & Điều 3.
Mọi quy định trong DT 01/09/2016 phải theo tinh thần của:
Điều 1: thể hiện quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Điều 3: Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Hiểu như vậy sẽ tương thuận với điều 24 của Hiến pháp 2013.
III/- Căn cứ vào Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và công pháp quốc tế.
Xét theo bình diện quốc tế: Việt Nam đã là một thành viên của Liên Hiệp Quốc nên luật phải phù hợp với trách nhiệm của một quốc gia trong đại gia đình Liên Hiệp Quốc (LHQ). Phù hợp với các công ước quốc tế (Đặc biệt là Công Ước Về Quyền Dân Sự & Chính Trị) mà Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ thực hiện: thực hiện nhân quyền, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ nhân quyền. Trong đó quyền tự do tôn giáo là cực kỳ quan trọng.
IV/- Báo cáo ngày 30/01/2015 của Đặc phái viên LHQ về tự do tôn giáo và niềm tin, ông Heiner Bielefeldt.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã mời ông Heiner Bielefeldt Đặc phái viên LHQ về tự do tôn giáo và niềm tin đến làm việc từ ngày 21 đến 31/07/2014. Sáu tháng sau ông Heiner Bielefeldt đã có báo cáo trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 30/01/2015.
V/- Căn cứ vào Bản Tuyên Bố Chung ngày 24/11/2015 của tổ chức Các Nhà Lập Pháp ASEAN vì Nhân Quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights - APHR) về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo của Việt Nam.
VI/- Thực tế tôn giáo tại Việt Nam.
Sau ngày 30/04/1975 chính sách cải tạo tôn giáo của nhà cầm quyền hiện nay đã tạo nên những tổn thương nghiêm trọng cho nhiều tổ chức tôn giáo chân truyền. Thực tế là nhà nước đã dùng mọi cách để tước đoạt quyền tồn tại và hoạt động của các tôn giáo tại miền Nam Việt Nam. (LHQ và các tổ chức nhân quyền gọi là tôn giáo độc lập).
B/- PHẦN NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ.
Từ 06 căn cứ trên chúng tôi có nhận xét và góp ý cụ thể một số điều khoản không tương thuận điển hình như sau:
Khoản 6 viết. Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo thừa nhận.
Khoản 13 viết:  Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.
1/- Nhận xét:
Dự thảo 05 giải thích tín đồ: Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo.
DT LTN, TG 01/09/2016 gắn thêm cái đuôi: và được tổ chức tôn giáo thừa nhận.
Kết hợp khoản 6 với khoản 13:
Tín đồ phải được tổ chức tôn giáo công nhận mà tổ chức tôn giáo phải được nhà nước công nhận. 
Như vậy có nghĩa là nhà nước đứng ra công nhận tín đồ thông qua tổ chức tôn giáo.
Cách giải thích từ ngữ như vậy cho thấy: DT LTN, TG 01/09/2016 thụt lùi so với DT 05 và không tương thuận với 06 căn cứ nêu trên.
2/- Đề nghị sửa lại:
Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo.
Tổ chức tôn giáo là cách sắp xếp bộ máy nhân sự và bố trí các cơ quan hành đạo theo quan điểm, nhu cầu của tôn giáo đó để phụng sự xã hội.

Phần liên quan đến Tổ chức tôn giáo Luật cần ghi rõ:
Tổ chức tôn giáo có đầy đủ quyền để chọn cách:
2.1/-  Đăng ký để được nhà nước công nhận và hoạt động.
2.2/- Thông báo cho nhà nước biết và hoạt động.
Cả hai đều bình quyền trước pháp luật.
Chỉnh sửa như thế sẽ phù hợp với 06 căn cứ nêu trên.
II/- Điều 05.
1/- Nhận xét:
Quy định tại điều 5 có những từ ngữ không định lượng được nên:
  - Không phù hợp với 06 căn cứ nêu trên.
2/- Đề nghị sửa lại cho đúng với công ước.
Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.
III/- Một số điều không tương thuận khác:
Chúng tôi xin liệt kê và đề nghị như sau:
1/- Điều 06 khoản 05.
Đề nghị sửa lại: Chức sắc, chức việc, người lãnh đạo tổ chức có quyền tự do thực hiện nghi lễ tôn giáo trong phạm vi phụ trách; giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm thích hợp.
2/- Điều 7 khoản 2 và khoản 9.
Khoản 2: đề nghị sửa.
Tổ chức cho tín đồ sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa điểm thích hợp.
Khoản 9: Đề nghị bỏ hẳn.
3/- Điều 9 khoản 1:
Đề nghị sửa: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Luật này.
4/- Chương III, Điều 12, khoản 1.
Đề nghị sửa: Cơ sở tín ngưỡng thông báo hoạt động tín ngưỡng diễn ra trong năm. Việc thông báo này có thể thực hiện một hoặc nhiều lần.
5/- Chương IV điều 16 khoản 2; điều 17; điều 18.
DT LTN, TG 01/09/2016 đề cập đến người theo tôn giáo không thuộc tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận:
  -  Phạm vi hoạt động: chỉ được hoạt động tôn giáo trong một xã. Như vậy nhà nước đã cấm việc liên giao hành đạo.
  - Về nhân sự: từ chức sắc, chức việc cho đến tín đồ thì phải được sự công nhận của tổ chức tôn giáo và có vậy thì mới được cử hành nghi thức tôn giáo ở những địa điểm nhất định. Nghĩa là những tôn giáo không xin công nhận hay không được công nhận sẽ không có chức sắc, chức việc (và không có tín đồ). Không có người nào được cử hành nghi lễ tôn giáo.
Đây là điều không phù hợp với thực tế tôn giáo tại Việt Nam; đặc biệt là các tôn giáo độc lập đã hoạt động tôn giáo trước ngày 30/04/1975.
Mâu thuẫn từ chính DT LTN, TG 01/09/2016.
IV/- Từ chương IV đến chương VIII:
1/ Nhận xét: Các từ công nhậnđăng ký dày đặc nên hoàn toàn không phù hợp với 05 căn cứ nêu trên.
   Đề nghị:  Tất cả những từ công nhận, đăng ký phải đổi thành thông báo. Tất cả từ hợp pháp phải sửa thành thích hợp.
2/ Điều 18, khoản 3 bỏ đoạn “không trong thời gian bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích.”
3/ Bỏ hẳn điều 17, 19, 20.
V/- Chương IX: Điều khoản thi hành.
1/- Nhận xét:
DT LTN, TG 01/09/2016 đã bỏ hẳn điều 38 trong Pháp lệnh 21 về tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2004.
Điều này chứng tỏ DT LTN, TG 01/09/2016 đã thụt lùi so với pháp lệnh (2004). Đây là điều không thể chấp nhận được.
2/- Đề nghị:
Giữ lại điều 38 áp dụng cho luật (sửa chữ pháp lệnh thành chữ luật):
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của luật này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
và đưa vào điều khoản thi hành luật.
C/- TỔNG KẾT VÀ ĐỀ NGHỊ.
I/- Tổng kết:
1/- DT LTN, TG 01/09/2016 đã có nhiều điểm thụt lùi so với các dự thảo trước đó. Các lý do để giới hạn tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã tăng lên so với các bản dự thảo trước.
2/- Bộ máy nhân sự của nhà nước bố trí để thực hiện DT LTN, TG 01/09/2016 sẽ rất cồng kềnh, tốn kém rất nhiều cho ngân sách. Điều nầy trái với chủ trương tinh giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách. Nhân sự trong bộ máy công quyền hiện nay yếu kém về năng lực và ăn của dân không từ một thứ gì. Cho nên DT LTN, TG 01/09/2016 là môi trường rất tốt cho tham nhũng.
3/- DT LTN, TG 01/09/2016 đã vi phạm điều 24 của Hiến pháp 2013. Đó là cái sai từ căn bản nên phải hủy bỏ.
II/- Đề nghị:
1/- Chỉ cần điều 24 trong Hiến pháp 2013 là đủ không cần có luật con.
Điều 24 không có câu: theo quy định pháp luật. Như vậy không cần có luật con cho quyền tự do tôn giáo.
Cách thức lãnh đạo, quản trị, điều hành của nhà nước đã biến Việt Nam thành quốc gia đứng chót trong khối Asean. Nhân sự trong bộ máy công quyền vừa kém năng lực và ăn của dân không chừa một thứ gì.
Muốn đất nước tiến lên phải thay đổi tư duy về cách thức lãnh đạo, quản trị, điều hành. Do vậy chúng tôi đề nghị không cần phải có luật riêng cho tín ngưỡng hay tôn giáo.
Điều này sẽ mang đến hiệu quả tức thời: giảm được người ăn lương từ ngân sách. Tín đồ và các tổ chức tôn giáo sẽ không phải chi tiền cho các viên chức ăn của dân không từ một thứ gì. Xã hội được minh bạch và nhà nước không phải hứng chịu búa rìu dư luận của quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Mỗi tôn giáo điều có giáo quy, giáo luật riêng. Nhưng đều hướng dẫn tín đồ đến bác ái và công bằng. Đạo Phật có ngũ giới cấmtứ đại điều quy là tinh hoa của Phật pháp. Nó ngăn chặn tội lỗi của tín đồ khi chưa phát sinh và tồn tại nhiều ngàn năm. Nhìn rộng ra nếu người ngoài tôn giáo đi nữa mà nhận thấy hay thực hiện được ngũ giới cấmtứ đại điều qui thì cả thế giới sẽ hòa bình, mọi cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt. Luật nhà nước nào hay hơn mà đòi quản lý họ?
2/- Trường hợp phải có luật.
2.1/- Tên bộ luật là Luật về Tôn giáo hay Niềm tin.
Bởi vì niềm tin bao gồm cả tín ngưỡng; có đặc điểm là không có tổ chức như tôn giáo.
Tôn giáo có 05 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật, tín đồ và cách thức sắp xếp nhân sự, bố trí các cơ quan theo quan điểm của mỗi tôn giáo.
Tên luật như thế mới phù hợp với thời toàn cầu hóa.
2.2/- Con người là đầu mối của mọi sự đúng sai. Con người có tâm và có tầm thì luật sẽ thật sự hữu ích.  Do vậy trong quá trình viết lại Dự luật về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin thì nhân sự ban soạn thảo là quan trọng. Ban soạn thảo phải có các chuyên gia về luật nhân quyền quốc tế, mọi thành phần bị ảnh hưởng bởi luật này; có các nhóm tôn giáo và niềm tin tại Việt Nam; các tham dự viên của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam am hiểu luật pháp và có kinh nghiệm về hoạt động tôn giáo tham gia. Đặc biệt là phải mời Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin làm cố vấn tối cao.
Kính thưa Quốc hội,
Việt Nam tuyên bố là tự do hơn các nước tư bản nhiều lần. Mà trong các nước tư bản thì tự do tôn giáo rất được tôn trọng và chính quyền tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo rất rõ ràng. Vậy thì luật về Tự do Tôn giáo và Niềm tin của Việt Nam phải tốt hơn, rộng rãi hơn các nước tư bản mới phù hợp với tuyên bố của nhà nước.
Chúng tôi muốn giúp cho nhà cầm quyền chứng tỏ rằng tuyên bố và hành động đi đôi với nhau trước đồng bào và công luận quốc tế nên mới có nhận xét và góp ý trên đây.
Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và đồng thời sẵn sàng đối thoại với Quốc hội để làm sáng tỏ mọi vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo và niềm tin trong thời toàn cầu hóa.
Việt Nam ngày 24 tháng 09 năm 2017.
Đồng ký tên.


















Tỷ phú Trần Đình Long: Khi chết đi, ông còn lại những gì?


Báo Tiếng Dân.
Lúc chiều, đang trên đường gặp một lãnh đạo Bộ Tư pháp, thì một sếp lớn tỉnh Hải Dương có gọi điện cho mình, chú nói muốn gặp riêng tâm sự, dù tôi cũng quý chú, biết chú rất thương dân nhưng lực bất tòng tâm, lỗi này là lỗi từ bên trên… nhưng mai thì chưa chắc tôi đã về gặp được.
Bởi ngày mai thôi, tôi lại bắt đầu tập trung thực hiện một phóng sự điều tra khác, nếu thành công, ông anh tổng biên tập của một tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam sẽ ký hợp đồng dài hạn với mình, với mức lương thưởng hấp dẫn, không cần bán buôn mấy thứ tào lao để rồi bị mang tiếng…
Trần Đình Long, ông chủ Thép Hòa Phát. Ảnh: internet
Trước khi vắng bóng một thời gian, tôi xin phép dành vài lời tự đáy lòng mình cho tỷ phú Trần Đình Long:
Kính thưa ông Long!
Xin hãy khoan nói tới việc ông có cho người theo tôi, rình mò nhà tôi, đe dọa cả những phóng viên tới tìm gặp dân làng Hiệp Sơn hay không? Xin hãy khoan nói tới việc ông có tác động vào Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, gọi điện cho cả lãnh đạo báo Pháp luật Việt Nam trong nam, ngoài bắc để yêu cầu tôi dừng lại việc nói lên quyền lợi chính đáng của những con người thấp cổ bé họng kia hay không? Ở đây, tôi chỉ muốn nói với ông về một câu chuyện khác, với ý nghĩa rất con người.
Thưa ông Long, trong lần trả lời phỏng vấn gần đây nhất, ông đã từng nói, “tôi có nghĩ đến tiền đâu nên còn chẳng biết là mình có bao nhiêu tiền”.
Vậy là, ông muốn để lại những công trình ngàn tỷ, danh dự làm người, hay nói cách khác là những dấu ấn để đời có đúng không, thưa ông? Nhưng, công trình của ông đặt ngay cạnh nhà dân, như đặt người dân trước cửa tử vậy!
Mà mới đây, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường) đã chỉ ra rằng, nhà máy luyện thép gần khu dân cư là cực kỳ nguy hiểm, khoảng cách đó phải cách xa vài chục cây số mới đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Nhưng thực tế thì thật đáng sợ, khoảng cách từ nhà máy thép Hòa Phát của ông cho tới nhiều hộ dân chưa đầy 80m – một công trình khiến ông trở thành người giàu có nhất thế giới, nhưng tại sao đến nay nó đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với hầu hết dân làng?
Vậy là, tôi có thể tái khẳng định rằng, công trình của ông đã thất bại, thất bại thật rồi! Còn danh dự thì sao?
Thưa ông, chỉ tính riêng việc các ông tác động khiến cho bài báo của tôi – với mức độ chia sẻ chóng mặt bị gỡ, khiến cho tôi bây giờ làm ở đâu cũng phải giấu giếm, thì đã chả còn danh dự gì để nói ở đây cả.
Và khi ông (hay thuộc cấp của ông?) ra lệnh cho những kẻ lạ mặt xông vào làng, đe dọa cả những người đưa sự thật, thì còn danh dự gì để nói nữa đây, thưa ông?
Ông nên nhớ rằng, bài của tôi bị gỡ, nhưng tôi đã kịp thời truyền lại thông tin, truyền lại lửa cho những cây bút khác, để cho họ suy nghĩ lại, vượt qua tính thú, những nỗi sợ vô hình, để đưa thông tin, sự thật ra ngoài công chúng!
Và tất nhiên, lịch sử mới thật đáng sợ, thế hệ sau sẽ suy xét kỹ công, tội của từng người, sẽ còn là một câu chuyện rất dài để nói về những tỷ phú thế giới – những tỷ phú đến từ Việt Nam.
Tất nhiên, tôi không dám phủ nhận những gì các ông mang lại cho đất nước ta ngày hôm nay, nhưng thưa ông, công là công, tội là tội. Cũng giống như những nước phát triển, có những tổng thống cống hiến cả đời vẫn bị đem ra xét xử như thường.
Có thể, tôi sẽ tạm khép lại câu chuyện Hòa Phát ở đây. Ông có chịu bỏ ra một chút tiền nho nhỏ, thậm chí tạm thời quên đi vị trí tỷ phú thế giới để đền bù cho những nỗi đau, mất mát, để cho các cháu nhỏ, dân làng Hiệp Sơn di tản đến một nơi ở mới khang trang, an toàn hơn, cho các thế hệ dân làng đỡ khổ, đỡ phải chết trẻ vì ung thư, mua nước từ xa tới mà vẫn nay đau mai ốm, mồm mắt sưng vù do mạt sắt bay vào hay không?… Và khi đã bị dồn đến chân tường, người dân có chịu đoàn kết, gom hết hồ sơ, tài liệu, kiện các ông ra tòa án Việt Nam, thậm chí tòa quốc tế hay không?
Tôi sẽ để cho chính ông, chính họ viết tiếp câu chuyện của chính cuộc đời mình. Tôi không muốn biến mình thành nhân vật chính trong bộ phim Chuyện làng Nhô thứ hai tại Việt Nam.
Nhưng, với tất cả lòng kính trọng ông, kính trọng dân làng, tôi chỉ muốn nói với ông rằng, ai rồi cũng phải chết, nếu có kiếp sau, ông sẽ không mang theo được tiền, và nếu có địa ngục thì ông cần xem xét lại cách làm giàu, đừng đánh đổi tính mạng của bất kỳ ai để làm giàu cho mình, để rồi phải mang tiếng xấu, xấu đến muôn đời!
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, khi chết đi, ông sẽ không mang theo được tiền, vậy ông mang theo được những gì?


Nhà báo Đỗ Cao Cường. Ảnh: FB tác giả
_____
Đỗ Hoàng. 26-3-2018

Cả làng Hiệp Sơn đen sì, nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi

(GDVN) – Người dân sống ở khu vực phụ cận nhà máy thép Hoà Phát cho rằng những năm gần đây, chỉ riêng xóm 1 đã có tới hơn chục người chết vì ung thư.
Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần thép Hoà Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đi vào hoạt động từ gần 10 năm nay khiến cho người dân xã Hiệp Sơn và khu vực lân cận thường xuyên sống chung với khói bụi, tiếng ồn.
Bụi đen nhuộm khắp xóm làng
Chỉ tay vào cây hồng xiêm trong vườn nhà, nơi những đọt lá cây nhuốm một lớp bụi đen kịt trên mặt bề mặt, ông Nguyễn Thắng Thú (58 tuổi, trú xóm 4 thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) thở dài thườn thượt.
“Những lá cây trong vườn này quanh năm bị phủ bụi đen xì thế này, chỉ hôm nào mưa nó mới đỡ tí chút” – ông Thú nói.
Nhà ông Thú nằm giữa xóm 4, cách nhà máy luyện gang thép Hoà Phát chừng hơn 200m qua một cánh đồng. Hầu như cả căn nhà phủ trong màu xám, mái tôn bụi đọng thành lớp giờ đã đổi thành màu xám đen, tường nhà màu xám loang lổ.
Nhà máy thép Hoà Phát nằm kề bên cánh đồng, cách khu dân cư một quãng ngắn, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ảnh: GDVN
Ông Thú cho hay kể từ khi nhà máy thép Hoà Phát đi vào hoạt động từ những năm 2010, môi trường khu xóm 4 thôn An Cường vốn đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm bởi tiếng ồn, khói bụi.
Nhất là mùa đông gió bắc quẩn mang theo bụi vào xóm, cây cối, mái nhà, sân, vườn của hầu hết các hộ dân đâu đâu cũng loang lổ bụi. Bầu không khí khu vực lúc nào cũng đặc quánh bởi lớp bụi lơ lửng mờ mờ.
“Họ xả bụi vào ban đêm, để chậu nước sáng ra bụi đen phủ thành váng. Những bụi này giống như mạt sắt nhỏ li ti” – ông Thú cho hay.
Người dân đã nhiều lần phát hiện nhà máy xả khói vào ban đêm, từng đụn khói đen toả ra bầu trời.
Mới đây nhất là rạng sáng sáng 20/3, khói bụi từ nhà máy xả ra thành cột đen kịt đặc quánh.
Nhiều người dân trong thôn đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh cột khói đen xì này.
Chị Vũ Thị Thoan (44 tuổi) cho hay khu đồng Đống Húc của người dân hai thôn An Cường và Hiệp Thượng (xã Hiệp Sơn) rộng cả chục hec-ta nằm kề nhà máy thép đã không ít lần bị ảnh hưởng.
Mới đây, cuối năm 2017, hơn 2 sào hành của nhà bà Thoan tự dưng bị táp lá, ngọn hành héo rũ ra như bị trần qua nước sôi. Hàng loạt hộ dân trong thôn mỗi nhà vài sào hành đều chung tình trạng như vậy.
Cũng như xóm 4 thôn An Cường, xóm 1 thôn Hiệp Thượng chỉ cách nhà máy thép Hoà Phát vài chục bước chân, bầu không khí u ám mờ đục.
Lá cây, mái nhà khắp làng đều bị phủ một lớp bụi đen. Ảnh: GDVN
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Tạ Thị Hữu (69 tuổi) nằm gần nhà máy thép nhất, bụi phủ mờ mái nhà, tán cây trong sân phủ một màu xám.
Những hộ dân trong thôn cũng rơi vào tình trạng tương tự, mái nhà nào cũng phủ một màu xám.
Nhiều nhà cửa đóng im ỉm vẫn không thoát được khói bụi. Một gia đình bên cạnh nhà bà Hữu đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống, căn nhà đóng cửa im ỉm bỏ hoang đã lâu.
Kêu mãi ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm
Bà Hữu cho hay khói bụi bao phủ nên từ nhiều năm nay người dân hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã không còn dám dùng nước mưa.
Một số hộ thì khoan giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Gia đình bà Hữu cùng nhiều hộ trong thôn phải mua nước sạch người ta chở đến với giá hơn 100 nghìn đồng/ xe chừng 3m3.
Ông Tô Văn Khoản (59 tuổi, trú xóm 1 thôn Hiệp Thượng) cho hay khói bụi bao phủ nên từ lâu nhiều người dân của hai thôn An Cường và Hiệp Thượng thường bị tức ngực, khó thở.
Theo ông Khoản, những năm gần đây, chỉ riêng xóm 1 của ông đã có tới hơn chục người chết vì ung thư.
Từ nhiều năm nay, người dân cả hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền những chưa có cơ quan nào giải quyết.
Theo người dân, cứ mỗi lần cơ quan chức năng về kiểm tra thì hoạt động sản xuất của nhà máy giảm đi, mức độ ô nhiễm giảm. Nhưng cơ quan chức năng đi thì đâu lại hoàn đó.


Cột khói nhà máy thép xả ra trong đêm được người dân ghi lại (ảnh cắt từ clip)
Ngày 20/3 vừa qua, sau khi khói bụi nhà máy toả ra đen đặc, người dân hai thôn lại có đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết vấn nạn ô nhiễm.
Trong đơn người dân phản ánh nhà máy thép Hoà Phát đã xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng đời sống và sức người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ho. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy cơ quan nào vào cuộc.
Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kinh Môn, cho biết người dân đã kêu rất nhiều về tình trạng ô nhiễm của nhà máy thép Hoà Phát.
Huyện không đủ thẩm quyền giải quyết nên đã nhiều lần báo cáo lên tỉnh, việc xác định ô nhiễm, xử lý thế nào do cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương.
Uy hiếp nhà báo
Trưa 25/3, khi phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng đồng nghiệp về xã Hiệp Sơn ghi nhận phản ánh của người dân đã bị một số người được cho là bảo vệ nhà máy bám theo uy hiếp.
Cụ thể, khi phóng viên vào nhà người dân ở xóm 1 thôn Hiệp Thượng, các đối tượng này đã xông vào cổng nhà dân đòi “nói chuyện” với phóng viên.
Bị người dân chốt cổng không cho vào, những đối tượng này vẫn lảng vảng ngoài đầu ngõ với ý định chặn đường ra.
Để tránh rắc rối nhóm phóng viên chúng tôi đã phải cầu cứu Công an huyện Kinh Môn đảm bảo an toàn.
Sau khi lực lượng công an đến, những đối tượng này mới chịu rời đi.






















Cuộc đấu tranh này là của người Việt Nam


Báo Tiếng Dân.
Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến bằng súng đạn, đã chấm dứt. Ngày nay, Việt Nam có thể vẫn là mối quan tâm cho quyền lợi của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, nhưng sẽ không quan trọng đến mức họ phải mang Hạm đội Thứ Bảy đến để bảo vệ hải phận Việt Nam hay chuẩn chi nhiều tỉ Mỹ kim để thay thế chế độ CS độc tài đảng trị tại Việt Nam hiện nay bằng một thể chế dân chủ.
Nhiều người khi đọc tin một chiến hạm Mỹ hay hàng không mẫu hạm Mỹ đi vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hồi hộp đợi chờ dường như cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Cộng sắp bùng nổ nay mai. Họ không biết rằng trong thời đại toàn cầu hóa này không có kẻ thắng và người bại dứt khoát nào, và ngoài ra, những mâu thuẫn giữa các cường quốc chỉ mới bắt đầu còn rất lâu mới chín muồi cho xung đột võ trang.


Các thành viên của Hội anh em dân chủ. Ảnh: internet
Trong quan điểm của Mỹ, quyền tự do lưu thông trên Biển Đông và chủ quyền của các đảo đang tranh chấp là hai vấn đề chứ không phải là một. Trung Cộng biết điều đó và đã nhiều lần tuyên bố tôn trọng quyền hải hành trên Biển Đông nhưng cùng lúc lại tiếp tục quân sự hóa Hoàng Sa và các phần đã chiếm được ở Trường Sa.
Trung Cộng cũng hiểu ngoài những lời chỉ trích, đưa tàu chiến tuần tra, gởi máy bay đến chụp hình, Mỹ không thể làm gì khác hơn. Lý tưởng tự do dân chủ không phải là món quà nhân đạo mà bao giờ cũng gắn liền với quyền lợi của nước Mỹ. Dù là quốc gia đặt trên nền tảng dân chủ, lịch sử bang giao quốc tế nhiều lần cho thấy, vì quyền lợi, các chính quyền Mỹ đã bảo trợ, bao che, nuôi dưỡng những kẻ cầm quyền độc tài nhưng biết nghe lời hơn là các nhà lãnh đạo yêu nước nhưng khó bảo. Trường hợp Pinochet của Chile, Noriega của Panama, Somoza của Nicaragua, Marcos của Phi Luật Tân là vài thí dụ điển hình. Do đó, đừng ngạc nhiên khi Mỹ chấp nhận trò ngoại giao “đu dây” của CSVN đến khi nào chính sách “đu dây” này còn phục vụ cho quyền lợi của Mỹ.
Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iraq dưới thời Saddam Hussein là một bằng chứng. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld là người phác họa kế hoạch tấn công Iraq nhưng năm 1983 cũng chính Donald H. Rumsfeld, với tư cách đặc sứ của TT Ronald Reagan được Saddam Hussein tiếp đón niềm nở. Hoa Kỳ nuôi dưỡng chế độ độc tài Saddam Hussein để làm đối lực với Iran cùng khối Hồi Giáo cực đoan quá khích và hợp tác khai thác dầu hỏa với chế độ độc tài này. Khi bắt tay với Saddam Hussein, Donald H. Rumsfeld đã biết Iraq dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh chống Iran và tàn sát thường dân Kurds. Hai chục năm sau, Mỹ xua quân lật đổ Saddam Hussein cũng không phải vì lòng thương xót số phận đau thương của người dân Iraq mà chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ.
Tiếng kêu trầm thống của nhân dân Tây Tạng cất lên từ hơn nửa thế kỷ qua nhưng ngoại trừ đôi lời an ủi và dăm ba lần tiếp xúc không chính thức, không một áp lực quốc tế nào cứng rắn đủ để buộc Trung Cộng ngồi vào bàn đàm phán. Tại sao? Tây Tạng nghèo khó và chẳng có tài nguyên nào để thu hút các đại công ty tư bản. Khác với cuộc chiến trước 1975 giữa Việt Nam Cộng Hòa liên minh với khối thế giới tự do chống lại sự bành trướng của ý thức hệ CS, cuộc tranh đấu ngày nay hoàn toàn là của người Việt Nam.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và chỉ người Việt mới biết đau khi những vùng đất của tổ tiên để lại bị Trung Cộng cướp đoạt. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân v.v… là người Việt Nam, và chỉ người Việt mới biết đau từ vết thương của đồng bào mình đang rỉ máu trong nhà tù CS. Cuộc tranh đấu mới khó khăn và cô đơn hơn nhiều so với cuộc chiến bằng súng đạn trước đây.
Cuộc tranh đấu hôm nay không giới hạn bởi lằn ranh, vĩ tuyến, hiệp định; kẻ thù của nhân dân Việt Nam không phải ở bên kia sông Bến Hải mà ở bất cứ nơi nào, nhiều khi còn ở ngay trong gia đình hay thậm chí chính bản thân mình. Bên cạnh những khó khăn, cuộc tranh đấu mới có nhiều thuận lợi. Làn sóng chuyển hóa mang đặc tính thời đại đang diễn ra trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ kinh tế và lần lượt lan sang những lãnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục và xã hội.
Năm 1990, số người dấn thân tranh đấu còn đếm trên đầu ngón tay, hôm nay họ có mặt ở khắp ba miền. Con số có thể chưa đủ để tạo thành một lực thay đổi nhưng rõ ràng đang lớn mạnh. Giới cầm quyền CSVN dùng mọi biện pháp bôi nhọ, đe dọa, bắt bớ, tù đày các thành phần dân tộc chống đối nhưng chính họ cũng phải biết không bạo lực nào ngăn chận được sự lớn mạnh âm thầm nhưng mãnh liệt của nhận thức con người. Bài học Ba Lan, Romania, Đông Đức v.v. còn rất mới.
Ngày xưa chúng ta thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy chuyến tàu dân chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Một vận hội mới đang mở ra, và người Việt yêu nước, dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm được hết phần mình mà không phải chen lấn nhau hay giẫm lên bước chân người khác. Con tàu phục hưng dân tộc Việt Nam còn rất rộng và đủ chỗ cho mọi người có tâm huyết, hãy bước lên để cùng đi với dân tộc và thời đại.











MỤC LỤC BNS 09 (01. 04. 2018).
1/- Huệ kiếm gươm thần. Tr 01.
2/- Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam: Nhận xét & đề nghị.
Về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 01/09/2016”. Tr 13

3/- Tỷ phú Trần Đình Long: Khi chết đi, ông còn lại những gì? Tr 20.

4/- Cuộc đấu tranh này là của người Việt Nam. Tr 27.