Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

2589. HUỆ KIẾM GƯƠM THẦN.


HUỆ KIẾM GƯƠM THẦN.
“Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây”.
Kinh Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường.
Kiến thiết đường giao thông trong Châu Thành Thánh Địa tỉnh Tây Ninh ẩn chứa nhiều điều kỳ thú. Bởi vì đó là một thể pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Tại sao gọi là thể pháp? Bởi vì 05 chương trình gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo của Hội Thánh dùng để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh là bài bản của thiêng liêng chỉ dạy. Bố trí đường sá trong Châu Thành Thánh Địa có sự sắp xếp của thiêng liêng nên nó là một thể pháp. Trong bài nầy chúng tôi giới thiệu một thể pháp đặc biệt: Lộ Trung Tim.

1/- Mô tả Lộ Trung Tim.
Theo cách đặt tên đường của Hội Thánh Cao Đài có chữ LỘ đứng trước. Chữ lộ hiểu là đường thì chắc chắn là đúng. Nhưng khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Đức Chí Tôn dạy rằng dùng tiếng An Nam làm chánh tự. Lấy đó mà hiểu thì chữ lộ còn có nghĩa là hiện ra. Cho nên chữ Lộ Trung Tim được hiểu như con đường tên Trung Tim không sai. Còn như hiểu rằng con đường đó thể hiện trung tâm điểm của Đại Đạo (bao gồm con người, tôn giáo, xã hội) là hiểu theo đạo học.





Ảnh 1: Lộ Trung Tim.
Lộ Trung tim là con đường đi từ hướng Bắc về hướng Nam (từ A à Z). Khởi tính từ đường Phước Đức Cù (nối với đường Phổ Đà Sơn, còn gọi là cua Lý Bơ “vì khi xưa Giáo Sư Lý Bơ mở lớp dạy Anh Văn trên đoạn đường đó”). Đi lần đến Báo Quốc Từ. Đi tới nữa là Long Hoa Thị. Qua khỏi Long Hoa Thị đi tiếp là đến ngã ba Giang Tân. Tại đây Lộ Trung Tim gặp quốc lộ 22 và hết.
2/- Gươm Trí Huệ tại Nghinh Phong Đài.
Nghinh Phong Đài Tòa Thánh Tây Ninh có bố trí một con Long Mã chạy từ hướng Đông sang Tây và đầu quay lại ngó về phương Đông.
Ngụ ý rằng Đạo khởi từ phương Đông, sau đó xuất sang phương Tây nhưng vẫn phải giử cái gốc là đạo đức.
Trên lưng Long Mã có cõng một Bát Quái. Có một cây gươm xuyên qua Bát Quái (cây gươm theo trục Đông Tây và từ trên chỉa xuống). Bát quái từ Tiên Thiên (8 quẻ), đến Hậu Thiên (64 quẻ) hay Đồ Thiên (bố trí tại Bát Quái Đài Tòa Thánh Tây Ninh) cũng đểu thể hiện cho sự nổ lực của con người để nhận thức về thế giới tự nhiên, về các vấn đề trong xã hội và chính nội tâm mỗi người. Cây gươm xuyên qua Bát Quái tượng trưng cho trí tuệ của nhân loại. Nên còn được gọi là gươm trí huệ hay gươm thần huệ.
Ý nghĩa Long Mã trong dịch lý.
Quẻ Càn (Kiền): là quẻ đầu tiên của kinh Dịch. Sáu hào của quẻ Càn gọi là thời thừa lục long (thì thừa lục long dĩ ngự thiên dã; tạm hiểu: sáu giai đoạn phát triển của trí tuệ “long/rồng”). Bởi vì rồng là con vật không có thật, nó thay đổi tùy theo sự phát triển của trí tuệ và tâm linh. Rồng (long) tượng cho trí tuệ. Theo chổ hiểu của chúng tôi thì chữ Long trong Long Mã tượng cho cái dụng của quẻ Càn (sáu hào dương hay dụng cửu).
Quẻ khôn viết: Khôn nguyên hanh lợi tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng. Dịch nghĩa. Quẻ Khôn: Đầu cả, hanh thông, lợi về nết trinh của ngựa cái. Quân tử có sự đi. Người xưa đã dùng đức tính của con ngựa cái tượng cho sự bền bĩ, trinh chính trong đạo phụng sự (bầy tôi); bởi vì Càn là sáng tạo đã xong, Khôn theo đó mà tạo ra cuộc luân chuyển hóa sanh trong cõi ta bà, mà đi trong cõi ta bà thì gặp đủ thứ vấn đề nên phải lấy đức trinh bền, nhu thuận của con ngựa cái. Chữ Mã trong Long Mã tượng cho cái dụng của quẻ Khôn (sáu hào âm hay dụng lục).
Trong Đạo Cao Đài thì Càn tượng cho trời.  Khôn tượng cho đất. Càn Khôn tượng cho Đại Đạo. Có Bát quái tiên thiên (8 quẻ) rồi khi xã hội phát triển thì 8 quẻ đó không đủ để diễn tả hết các vấn đề trong xã hội nên cần có sự chi tiết hơn mới sanh ra Bát quái hậu thiên (64 quẻ). Như vậy về xã hội học thì bát quái (Tiên thiên, Hậu thiên hay Đồ thiên) cũng tượng cho các vấn đề con người phải đối diện. Trong xã hội có xã hội đạo và xã hội đời, chủ đích bài nầy là chỉ đi vào phần thể pháp để xây dựng đạo và bảo tồn quốc túy mà không đi sâu vào dịch lý Đồ thiên vốn là một lãnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu.
Tóm lại: Long mã trên Nghinh phong đài tượng cho Đại Đạo khởi từ phương Đông (Việt Nam) truyền qua phương Tây. Muốn làm như thế phải có sự hiểu biết về con người và xã hội để viết ra giáo án. Giáo án, sử chương phải phù hợp với 02 luồng tư tưởng phương Đông (Đông Lang) và phương Tây (Tây Lang). Dù theo luồng tư tưởng nào cũng phải lấy đạo làm gốc.
(Lưu ý là hai cái đồng hồ ở Đông Lang và Tây Lang song song nhau và song song với hướng chạy của Long Mã, nghĩa là cùng nhau nhìn về một hướng. Nó khác với Đông Khán Đài và Tây Khán Đài đối diện nhau, từ hai hướng đối nhau nhưng cùng nhìn vào mục tiêu)
3/- Gươm Trí Huệ trong nhân thế.
Từ đối chiếu Lộ Trung Tim với Gươm Trí Huệ tại Nghinh Phong Đài chúng tôi thấy rằng đã đủ yếu tố để gọi Lộ Trung Tim là Gươm Trí Huệ trong nhân thế.
Một câu hỏi cần phải nêu ra là: Tại sao Gươm Trí Huệ phải đi qua Báo Quốc Từ và Long Hoa Thị?
Xin thưa rằng: trí tuệ có được là do sự học hỏi và rèn luyện của từng cá nhân, trí tuệ đó phải được thể hiện qua hành động. Hành động là cơ sở để xã hội nhìn nhận hay kiểm chứng xem nó có hữu ích chi cho quốc gia và thế giới chăng.

3.1/- Tại sao qua Báo Quốc Từ?
Báo Quốc Từ để làm gì? Xin thưa để tưởng nhớ và thờ phượng tiền nhân.
Ai được thờ phượng tại Báo Quốc Từ? Theo chổ hiểu của chúng tôi thì trước năm 1975 Báo Quốc Từ thờ Quốc tổ Hùng Vương, các vị khai quốc công thần, chiến sĩ trận vong. Ba cựu hoàng Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Sau có thêm Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Tướng Trình Minh Thế. Như vậy Báo Quốc Từ là nơi thờ phượng các bậc tiền nhân có công với nòi giống, giang san, đạo pháp.
Phụng sự cho đạo pháp là gì?
Theo chúng tôi nhận định nhiệm vụ quan trọng là góp phần để thực thi đôi liễn:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Đôi liễn (công thức) nầy được trưng ra công khai cho cả thiên hạ biết và kiểm chứng. Đức Chí Tôn dạy ngày 01. 02. 1927:
Ấy vậy các con phải lưu tâm mà chấn hưng mối Đạo; ấy là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương thoát tục. Cơ Trời Thầy không lẽ tỏ ra đây, song các con nên biết xét mình là đứng vào địa vị tối cao hơn muôn loại, nên các con phải có trí độ phi phàm thì mới có đủ tư cách làm người… (hết trích).
(TNHT Q1 trang 73. Tái bản lần 2, năm 2011, Hoa Kỳ (Tạp chí Ánh Sáng Phương Đông).
Chấn hưng mối đạo là gì?
Một trong những nội dung chính là biết tạo ra sự cộng hưởng để xây dựng hòa bình, dân chủ, tự do.
Xây dựng cho ai?
Xin thưa cho bản thân, gia đình, tôn giáo và xã hội.
Căn cứ vào lời dạy trên và kết hợp với đôi liễn (công thức) để hiểu thì các giá trị hòa bình, dân chủ, tự do của Đạo Cao Đài phù hợp với những giá trị chung của nhân loại trong thời toàn cầu hóa.
Ngày 10-9-1958 Đức Hộ Pháp giảng về:  Nhơn Sanh nhập vào trường thi…
Buổi Hạ Nguơn nầy mãnh liệt vô cùng khốc liệt, nên các cơ quan Đại Đồng Thế Giới phải nhập cuộc trường thi Phong Thánh. Bần Đạo quả quyết cho Nhơn Sanh tự thức giác, có nghĩa là cuối Hạ Nguơn Tam Chuyển, bắt đầu Nguơn Tứ Chuyển thì mở cửa cho cả thiên hạ nhập trường chung cuộc khảo thí.  (hết trích).
Cho nên đôi liễn:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
cũng chính là đề thi cho thời Tam kỳ phổ độ.
Trong thời toàn cầu hóa thì cả nhân loại đang xây dựng cuộc sống hòa bình, dân chủ, tự do. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là một bằng chứng. Điều 18 của Tuyên Ngôn khẳng định quyền tự do tôn giáo hay niềm tin.
TNNQQT, điều18: Tất cả mọi người đều có quyền tự do có tư tưởng, tự do có lương tâm và tự do có tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay thế giới quan của mình cũng như quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan của mình bằng cách giảng dạy, thực hành, thờ phụng và tuân thủ giáo điều cho riêng cá nhân mình  hay chung với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư
Các cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức công dân (xã hội dân sự) phải chăng đang xây dựng những giá trị nhân quyền chung cho toàn nhân loại? Các cơ quan nhân quyền LHQ xây dựng, đề cao giá trị dân chủ, tự do là để xây dựng hòa bình cho nhân loại. Cho nên họ cũng đang giải đề thi.
Nghĩa là dù cho Đại Đạo hay các cơ quan đại đồng thế giới cũng đều xây dựng một xã hội trong đó con người được sống xứng đáng với nhân phẩm. Chúng tôi nói về mục đích hai bên theo cách hiểu về lời giảng của Đức Hộ Pháp mà chưa đi vào phần giải pháp và phương tiện.
Muốn giải quyết bài thi người đạo chúng ta phải làm gì?
Theo chúng tôi hiểu là phải thực thi tam lập (lập công, lập đức, lập ngôn) để giải quyết đề thi. Phải chuẩn bị đề cương, giáo án minh bạch.
Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi. (Kinh Đệ Thất Cửu).
Chuẩn Đề là chuẩn bị đề cương, giáo án. Chúng tôi hiểu Chuẩn Đề như một công thức trong Di Lặc Chơn Kinh. Chìa khóa để hiểu Chuẩn Đề như một công thức là do Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa để lại. Khi giảng về các bài Kinh Cửu Ngài có giải thích: Nên lưu-ý là danh-hiệu các vị Phật nêu trong kinh Di-Lạc ở các tầng Trời từ Hạo-Nhiên Pháp Thiên đến Hỗn-Ngươn Thiên không có đề Phật-danh của mỗi vị mà chỉ có đề nhiệm-vụ của mỗi vị mà thôi.
Đó cũng là nguyên do vì sao khi đọc Di Lặc Vương Phật hay Nhiên Đăng Cổ Phật chỉ lạy có một lạy. Khi mới học đạo chúng tôi rất thắc mắc vì sao giáo lý dạy lạy Tiên Phật thì 09 lạy mà khi đọc Nhiên Đăng Cổ Phật, Kim Bàn Phật Mẫu … lạy có một lạy? Nhiều vị giải thích tại nhiều quá lạy không nổi nên chế bớt. Than ôi! Bí quá thì giải thích như thế nghĩ lại thương nhau quá đi. Mãi khi đọc lời dạy của Ngài Hồ Bảo Đạo trên đây chúng tôi mới được soi sáng.
Người đạo Cao Đài phải biết tạo sự cộng hưởng với các cơ quan đại đồng thế giới để thêm sức cho nhau, trong công cuộc cộng hưởng đó phải lấy đạo đức làm gốc. Phải giử gìn những giá trị của đạo (cho nên Long Mã chạy về Tây mà đầu vẫn ngó về Đông). (Chữ Đông nầy cũng là điểm xuất phát để hiểu chữ Đông trong câu: Về Đông hết kế Tử Phòng trong bài Ngụ Đời của Đức Lý Giáo Tông.)
(Còn tiếp).
3.2/- Tại sao Gươm thần huệ phải qua Long Hoa Thị?


3.2.1/- Sơ lược về nguồn gốc Long Hoa Thị.
Long Hoa Thị hiện nay do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) ra lịnh khởi công xây dựng ngày 12-11 Nhâm Thìn (1952).
Khi khởi công xây dựng Long Hoa Thị có nhiều chức sắc cao cấp tham dự, xã hội có Kỹ sư Lưu Văn Lang (thường gọi Bác vật Lang). Chợ thiết kế theo hình bát quái đồ thiên (là Bát quái tại Bát Quái Đài). Theo lời phê của Đức Hộ Pháp thì Long Hoa Thị mở rộng ra đến Bến Kéo.

Ảnh Long Hoa Thị từ internet.

3.2.2/- Quyền sở hữu Long Hoa Thị.
Cũng theo lời dạy của Đức Hộ Pháp thì Long Hoa Thị thuộc sở hữu chung của toàn đạo không cho ai có quyền tư hữu trên đó. Hội Thánh quản lý thấy nhà nào nghèo thực sự thì xem xét và cấp cho một chổ để mua bán, khi qua cảnh khó khăn phải trả lại cho Hội Thánh để giúp đở cho người nghèo khó khác. Long Hoa Thị bán toàn đồ chay, không đem đồ mặn vào đó. Đức Hộ Pháp buộc như vậy vì đó là chợ chuyển thế.
3.2.3/- Long Hoa Thị chuyển thế.
Khi đó ông Trung Úy Nguyễn Ngọc Lầu thỉnh giáo về ý nghĩa chợ chuyển thế. Đức Ngài trả lời rằng: Thầy muốn để cho nhơn sanh, con cái của Đức Chí Tôn tìm mà hiểu biết, rồi tùy theo ý muốn của nhơn sanh muốn cái gì thì nó sẽ biến ra cái nấy…. Các con lưu ý nhìn cái Long Hoa Thị biến chuyển ra sao thì các con biết trước những việc đó là gì. Thôi, việc Thiên cơ Thầy không nói nữa, các con tìm hiểu (trích ý).
Việc nầy sẽ có 03 Hội lập quyền vạn linh định đoạt.
Đức Hộ Pháp không giải thích hết, Ngài để một khoản trống và khuyến khích người đạo tìm hiểu. Cho nên đã cuốn hút rất nhiều chất xám của người đạo để đưa ra lời giải thích. Chúng tôi cũng mạo muội đưa ra một cách giải thích.
3.2.4/- Muốn chuyển thế phải làm gì?
Muốn chuyển thế phải cung ứng được nhu cầu chính đáng cho đời sống từ vật chất đến tinh thần, theo đúng qui luật cung cầu. Muốn có nguồn cung thì phải có những phát minh mới. Muốn có phát minh mới phải có trí tuệ. Muốn có trí tuệ phải tu thân theo 04 công thức tại Bao Lơn Đài (bên ông Thiện). Bốn công thức đó là: Cần mẫn học tập (Ngưu giác quải thư), thanh liêm (Hứa Do, Sào Phủ), tri âm, tri kỷ à nhơn nghĩa (Bá Nha Tử Kỳ) và chí nhẫn (Khương Thượng & Võ Kiết).
Còn xây dựng xã hội thì theo 04 công thức bên ông Ác: Xây dựng hạ tầng (Vua Hạ Võ trị thủy); chương trình lương thực (ông Thuấn làm ruộng); chương trình khoa học và giáo dục (Toại Nhân, Hữu Sào); sách lược kinh thương (Phạm Lãi, Tây Thi). Chát xám của đạo phải cung ứng bài bản tu thân và xây dựng xã hội như hai thanh thép tạo nên đường ray để XE NHƯ Ý (Kinh Đệ Ngũ Cửu: Dựa xe Như Ý oai thần tiễn thăng) của đại đạo qua Báo Quốc Từ và Long Hoa Thị.
3.2.5/- Ai làm việc đó?
Đó là Hội Thánh Cao Đài, đó là trách nhiệm của tất cả những người đã nhập môn cầu đạo.  Bằng cớ là Kinh Nhập Hội câu 17, 18:
Cơ chuyển thế khó khăn lắm nỗi,
Mượn thánh ân xây đổi cơ Đời
Căn cứ vào kinh sách của Hội Thánh ban hành mà luận về trách nhiệm thì không ai chối bỏ được. Thánh Thất, Điện Thờ, Hương đạo, Ấp đạo đều có hội ít nhất một tháng một lần, mà có hội phải đọc Kinh Nhập Hội. Đọc kinh rồi phải làm đâu thể chờ người khác làm.
Nhập môn cầu đạo thì phải biết rằng Lời minh thệ là một tiền đề cơ bản. Lời minh thệ ghi rõ: … Thề rằng: Từ đây biết có một “Đạo Cao Đài Ngọc Đế, … hiệp đồng chư Môn Đệ, gìn luật lệ Cao Đài. …”; theo đó thì chỉ có một Đạo Cao Đài của Ngọc Đế lập năm 1926, nếu có một Đạo Cao Đài nào ra đời sau đó thì phải biết ngay rằng đó không phải của Ngọc Đế (chi phái 1997 là do cộng sản Việt Nam lập ra). Bởi vì Ngọc Đế trước sau như một; Ngài đã dạy rõ chỉ có MỘT Đạo Cao Đài của Ngọc Đế thì cứ theo đó mà hành đạo. Nghĩa là Hội Thánh Cao Đài và toàn đạo phải đảm đương nhiệm vụ xây cơ chuyển thế để bảo tồn vạn linh.
3.2.6/- Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là một phát minh.
ĐĐTKPĐ ra đời để làm chứng trước nhân loại rằng con người có thể nối kết được với các Đấng cao trọng trong thế giới vô hình. Các Đấng sẳn lòng giúp nhân loại xây dựng xã hội hoà bình, dân chủ, tự do. Đó là xây dựng nền văn minh mới (Văn minh tâm linh hay Văn minh Cao Đài Giáo) cho nhân loại trong thời toàn cầu hóa.
ĐĐTKPĐ nối kết được với các Đấng Thiêng liêng cao trọng chính là một phát minh. Phát minh nầy là gốc cho những phát minh sau đó. Thời điểm của phát minh gốc chính là ngày Trung Thu năm Ất Sửu (1925). Đó là ngày Đức Chí Tôn dạy lập Hội Yến Diêu Trì Cung tại nhà Đức Cao Thượng Phẩm.
Bởi vì trong Lễ Hội Yến đó có 03 người mang xác phàm là Ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang ngồi dùng yến tiếc với Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương và bà Nguyễn Hương Hiếu là người tiếp đãi.
Nghĩa là con người đối diện với thiêng liêng để học hỏi điều hay lẽ phải. Từ đó đem truyền bá cho nhân loại, nhân loại có quyền tin và có quyền không tin. Người tin lại chia ra làm nhiều diện. Có diện tuyệt đối tin tưởng, sùng kính hết mức và thể hiện bằng cách cúng kính và cầu nguyện hằng ngày để tu thân. Có diện tìm hiểu để thực thi các bài bản trong tôn giáo ra xã hội … mỗi người một vẽ còn như có vẹn mười hay không thì không bàn đến ở đây.
Khai ĐĐTKPĐ thầy dùng tiếng An Nam làm chánh tự. Cho nên chữ yến còn có nghĩa là ánh sáng trong màn đêm. Như vậy Hội yến còn một nghĩa nữa là hội tụ các sáng kiến, các phát minh.
Diêu Trì Cung do Phật Mẫu làm chủ. Phật Mẫu chủ về việc nuôi dưỡng muôn loài, từ vật chất đến tinh thần. Cửu vị tiên nương có trách nhiệm đối với Cửu viện của ĐĐTKPĐ, mỗi vị tiên nương phụ trách một viện (xem Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp, bài 01). Phật Mẫu vâng lịnh Đức Chí Tôn đến độ rỗi cho con cái của Ngài, muốn độ rỗi phải có một nền văn minh mới phù hợp với tài nguyên và môi trường sống trong thời toàn cầu hóa. Bức phù điêu thờ Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ có Ngài Đông Phương Sóc đứng cung kính nâng một cái dĩa. Trong dĩa có 04 quả đào tiên do Đức Phật Mẫu ban cho nhân loại. Tại sao là bốn quả mà không phải là một con số nào khác?
Bởi vì 04 quả đào tượng trưng cho 04 nền văn minh: Văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh điện, điện tử và thời tam kỳ là văn minh tâm linh (thiên nhân hiệp nhứt; Trời, Người đồng trị).
Phù Điêu thờ Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ (Tây Ninh). Một: Ngài Đông Phương Sóc nhận 04 quả đào tiên do Phật Mẫu ban cho. Hai: Hớn Vũ Đế cung nghinh Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương.
Đặc trưng của văn minh tâm linh là con người kết hợp với các Đấng cao trọng để thực hiện. Các Đấng không có xác phàm nên không thể thực hiện được những công việc cần có xác phàm. Con người có xác phàm, có trí óc, có lương tâm nhưng bị thâm nhiễm bụi trần nên thường là không đủ sáng suốt. Do vậy phải nhờ sự giúp đở của thiêng liêng. Hơn nữa mổi xác phàm đều hiện hữu một thời gian rồi phải bỏ. Khi bỏ xác phàm thì cái trí khôn vẫn còn tồn tại nhưng không có môi trường để vận dụng. Đức Thích Ca, Đức Chúa Jésus hành đạo một thời gian rồi phải bỏ xác phàm. Khi đã bỏ xác phàm thì môn đệ tiếp tục, nhưng không thiết lập được cách liên lạc với Phật, với Chúa nên các Đấng khó có thể tiếp tục hướng huấn môn sinh. Nền văn minh tâm linh khi khởi đầu đã có sự nối kết với các Đấng thiêng liêng và trong suốt chu kỳ đều có các Đấng phò trợ qua cơ bút tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh.
Nền văn minh nào cũng phải có những phát minh, cho nên văn minh Cao Đài Giáo cũng trong lẽ cố nhiên ấy. Ngày Hội Yến Diêu Trì Cung năm 1925 là ngày khởi đầu cho một nền văn minh mới thì ngày Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hằng năm chính là ngày trình chánh phát minh của cá nhân hay tập thể ra xã hội. Cá nhân hay tập thể có thể là người trong tôn giáo Cao Đài, tôn giáo bạn hay người không theo một tôn giáo nào, không phân biệt một đảng phái nào, một chủ nghĩa nào, miễn là họ chủ động hợp tác với đạo để trình chánh.
3.2.7/- Tại sao không phân biệt?
Bởi vì Phật Mẫu là mẹ chung của cả nhân loại, tình thương của Mẹ là đại bi, đại ái, cho nên trước mắt của Phật Mẫu chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Tình thương của mẹ là vô điều kiện. Chứng cứ rõ ràng nhất là khi cúng Phật Mẫu thì người đạo đều mặc đạo phục như nhau, không được mặc thiên phục. Còn người ngoài tôn giáo muốn cúng cũng tự nhiên như về nhà của người mẹ thân yêu. Quan sát cảnh cúng Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hằng năm ta thấy người mặc đạo phục, người mặc thường phục, ngồi cạnh nhau trên sân rồi tới ngoài đường hướng về Phật Mẫu, mặc cho mưa thu thì cảm nhận được tình ý thân thiện, nồng nàn của chúng sanh đối với Mẹ thiêng liêng.
Như vậy bất cứ ai có công trình nghiên cứu, sáng kiến hay phát minh và muốn trình chánh vào ngày 15. 08. Âm Lịch (là ngày Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung) thì liên hệ với hệ thống hành chánh tôn giáo nơi địa phương để Hội Thánh Anh biết và sắp xếp cho việc trưng bày. Đạo Cao Đài không có quyền từ chối nếu phát minh đó đúng với chủ trương hòa bình, dân chủ, tự do (theo đề thi nêu trên).
Hội Thánh sẽ lập phái đoàn tiếp nhận các công trình đó rồi giao về cho Cửu viện nghiên cứu xem xét đã hoàn chỉnh chưa. Khi đã xong thì giao qua cho Hàn Lâm Viện xem lại trước khi giao qua Hội Thánh công bố.
(Hội Thánh minh giao sách Trường Xuân. Kinh Đệ Tam Cửu).
Vậy Ngày công bố là ngày nào? Theo chúng tôi dự đoán là ngày Vía Đức Chí Tôn hằng năm.
3.2.8/- Công bố rồi làm gì?
Thiễn nghĩ công bố xong xuôi thì đem ra trưng bày tại Long Hoa Thị. Nghĩa là trí tuệ tinh anh (Long) và đẹp đẽ (Hoa) được thể hiện nơi thập mục sở thị (Thị).   
Khi đã trưng bày thì bất cứ ai cũng có đủ quyền đến quan sát và thấy thích hợp thì liên hệ với Hội thánh để được hướng dẫn, giúp đở cách thức vận dụng công trình đó để xây dựng đoàn thể, quê hương mình. Đúng với phương châm: Cái đẹp của quê hương anh do chính anh xây dựng mà có.
Nghĩa là từ Long Hoa Thị sẽ cung cấp điều kiện ắt có và đủ để nhân loại xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cuộc sống bấp bênh chưa có nồi mơi đã lo buổi tối sẽ lùi xa. Chính cái nghèo nàn về tinh thần đem đến sự nghèo khó về vật chất. Long Hoa Thị là tài nguyên, là môi trường để nâng người ít hiểu biết thành người có hiểu biết, nâng người nghèo khó về vật chất có cuộc sống ấm no và đi đến sung túc. Đó là làm cho đời sống thay đổi. Đó là chuyển thế.
Ý nghĩa chuyển thế như vậy Hội Thánh hoàn toàn chủ động chứ không phải chờ ai làm dùm hay ban phát.
3.2.9/- Hội thánh có lấy tiền với các phát minh nầy không?
Theo chúng tôi nghĩ là không (còn sự việc thế nào là do 03 Hội lập quyền quyết định). Bởi vì Trời tạo lập ra môi trường sống cho vạn loại và Trời không hề bán thứ gì do Trời tạo ra. Vậy thì đạo của Trời phải giống Trời. Không thể ra giá muốn xài phát minh nầy phải trả bao nhiêu tiền. Nếu Hội Thánh ra giá như thế thì không bao giờ chuyển thế được. Nó sẽ rơi vào cái vòng luẫn quẫn, do nghèo không có tiền trả cho phát minh, và do không dùng được phát minh nên tiếp tục nghèo. Không chuyển thế được thì nhiệm vụ của Đạo Cao Đài chưa hoàn thành. Chưa tạo điều kiện để Lãng tử cô nhi tảo hồi hương lý. Can qua vĩnh tức giáp mã hưu chinh (U Minh Chung) thì chưa thể thực hiện được Cơ chuyển thế.
3.2.10/- Vậy tiền ở đâu để trả cho những nhà phát minh?
Xin thưa rằng Cơ quan Phước thiện sẽ là nơi cung cấp tài chánh cho Hội Thánh sử dụng trong công cuộc an bang tế thế. Cho nên khi lập thành cơ quan Phước Thiện Đức Hộ Pháp dạy rằng QUỐC ĐẠO đã nên hình. Cơ quan Phước Thiện chính là bộ máy kinh thương, là nguồn máu luân lưu để nuôi sống hành chánh.
Trên thực tế những người có sáng kiến phụng sự nhân loại qua cánh cửa hòa bình, dân chủ, tự do là họ đã không xem nặng vấn đề vật chất. Cái vui của họ là sống đời có hữu ích. Cho nên lo cho cuộc sống của họ không phải là điều gì quá tầm tay của Hội Thánh.
Kết luận:
Đạo Cao Đài lấy Gươm trí huệ từ Nghinh Phong Đài để lập ra Lộ Trung Tim là một thể pháp. Đạo bố trí Gươm trí huệ qua Báo Quốc Từ rồi đến Long Hoa Thị thể hiện rằng: vấn đề trung tâm của người Đạo Cao Đài là phải học tập và rèn luyện cho có trí tuệ để thực thi tam lập. Thực thi phải có trọng tâm: xây dựng cho quê hương mình có hòa bình, dân chủ, tự do (Báo Quốc Từ). Qua đó đóng góp những sáng kiến, phát minh, công thức qua hai phương hướng: tu thân và xây dựng xã hội theo thể pháp tại Bao Lơn Đài.
Những giáo án, sử chương, công thức khi đã hoàn chỉnh sẽ đem trưng bày tại Long Hoa Thị. Cá nhân hay tập thể đều có thể dùng đó để nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình, cộng đồng rộng lớn hơn. Làm cho cuộc sống thay đổi tốt hơn, có ý nghĩa hơn; làm cho người nghèo khó có cuộc sống ấm no, người ít học có thêm hiểu biết, làm cho con người biết sống trong lẽ đạo và biết quí trọng nhau qua đạo đức; đó là chuyển thế.
Long Hoa Thị là nơi trưng bày các công thức để xã hội thị chứng, cho nên đó là chợ chuyển thế. Trí huệ phải được kiểm chứng, cầu chứng qua việc xây dựng con người, quê hương và chuyển thế. Điều nầy phù hợp với nội dung chấn hưng mối đạo là kế bảo tồn quốc hồn quốc túy cũng lại là phương châm thoát tục.
Ngày 06. 12. 1938 Đức Hộ Pháp dạy rằng:  Dầu ta có cúng lạy cho đến dập đầu bể trán mà không phụng sự cho Vạn Linh thì cũng không ích lợi gì cho Trời Phật (hết trích).
Kết hợp thể pháp với lời dạy Đức Hộ Pháp sẽ đi đến nhận định:
Tu theo Tam Kỳ Phổ Độ là phải sửa mình cho có hạnh đức, có trí huệ và làm cho đời tệ hóa ra hay. Muốn đạt được mục đích ấy, muốn làm bài thi cho chính bản thân mình phải ngược xuôi trong giang trường hỗn độn, xông pha nơi khổ hải, binh vực người bị cường quyền áp bức, đem công lý đánh đổ cường quyền. Hậu tấn không hiểu được điều đó, không làm được điều đó thì nền triết lý của Đức Chí Tôn, công trình của các tiền bối khai đạo trở thành việc cấy lúa trên đá./.
Biên soạn.
Đạo Hữu Dương Xuân Lương.
SĐT: 469 642 4667.
Skype: thu.john2