Trang

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

2124. Luật Magnitsky có ý nghĩa gì với nhân quyền Việt Nam?

 

. Việt Nam Thời Báo.
Sau một thời gian dài “lượng sượng”, ngày 8/12/2016, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật nhân quyền – Luật Magnitsky – nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu. Dự luật này do hai Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện, được thông qua chưa tới một tuần sau, khi dự luật tương tự do dân biểu Chris Smith và Jim McGovern ra mắt tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo đến 2/3.



Luật Magnitsky có ý nghĩa gì với nhân quyền Việt Nam?
Thượng Nghị Sĩ John McCain


Hiện nay, dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đang chờ được Tổng thống Obama ký ban hành, dự kiến trước cuối năm nay.
Vậy quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào khi luật này ra đời?
Theo phân tích của giới chuyên gia về nhân quyền, quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức này đã vi phạm nhân quyền trầm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể lờ đi.
Theo luật này, những quan chức vi phạm nhân quyền sẽ bị chế tài theo hai cách. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được bãi miễn lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự bãi miễn đặc biệt, và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che giấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên.
Trong rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, dấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam lại rất phổ biến. Những giới chức tham nhũng mà đi trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Với giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, đây chính là tin vui nhất trong năm 2016 và có lẽ trong vài ba năm gần đây. Thậm chí còn vui hơn cả việc Tổng thống Obama đến Việt Nam, nhưng có đến 6/15 khách mời của Tổng thống đã bị công an Việt Nam thẳng tay chặn không cho đến dự gặp Obama.
Đã đến thời mà những tố cáo về việc quan chức vi phạm nhân quyền sẽ không bị rơi vào quên lãng. Với các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, họ có thể dùng những thông tin về các tổ chức tôn giáo, xã hội dân sự và người dân bị chính quyền đàn áp để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Đây chính là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài. Những thông tin này sẽ được chuyển cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Theo luật mới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một bản danh sách bao gồm tên các quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có Việt Nam. Nếu bị đưa vào danh sách này, hàng loạt quan chức Việt Nam sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản cố định, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của họ, kể cả của thân nhân của họ, sẽ bị phong tỏa vô điều kiện.

Lê Dung / SBTN