Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

2109. Phát động chiến dịch “Cứu Đông Yên”



Thông Cáo Báo Chí
Ngày 10 tháng 12, 2016
Liên lạc: bpsos@bpsos.org hay (001) 703-538-2190 (Hoa Kỳ)
Hôm nay, nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, tổ chức BPSOS cùng với Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu phát động chiến dịch “Cứu Đông Yên” nhằm yểm trợ số 800 giáo dân thuộc Giáo Xứ Đông Yên, Xã Kỳ Lợi, Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh trong 3 mục đích:

(1)   Đẩy lùi mọi biện pháp hành chính hay bạo lực của chính quyền Huyện Kỳ Anh nhằm xoá bỏ xứ đạo Công Giáo toàn tòng với trên 100 năm lịch sử này;
(2)   Đòi Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa bồi thường thoả đáng các thiệt hại thảm khốc do công ty này gây ra;
(3)   Tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân để họ duy trì cuộc tranh đấu trường kỳ cho đến khi đạt cả hai mục đích trên.
BPSOS quyết định yểm trợ Giáo Xứ Đông Yên vì người dân nơi đây đang cùng một lúc phải đối mặt với hai mối nguy ngặt nghèo:
(1)   Chính sách cưỡng chế toàn bộ xứ đạo của chính quyền Huyện Kỳ Anh từ năm 2012;
(2)   Tai hoạ nhiễm độc biển do Công Ty Formosa gây ra từ tháng 4 năm 2016.
Từ hơn 8 năm qua, Giáo Xứ Đông Yên đã ở tuyến đầu đối mặt với Formosa.
Ngày 9 tháng 4, 2008 chính quyền Tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa thuê 3.300 mẫu đất trong thời hạn 70 năm. Người dân Đông Yên quyết tâm ở lại. Khi chính quyền bắt đầu nạo vét luồng lạch để làm cảng nước sâu Sơn Dương nhằm phục vụ nhà máy gang thép Formosa, ngày 20 tháng 3 năm 2011 toàn thể giáo dân Đông Yên biểu tình phản đối. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên chống Formosa.
Không lâu sau đó chính quyền Kỳ Anh ra lệnh toàn bộ giáo dân Đông Yên phải tái định cư lên một vùng núi thiếu an ninh. Khoảng 4 nghìn giáo dân miễn cưỡng thi hành lệnh; nhà cửa của họ lập tức bị đập phá. Nhưng 158 hộ gia đình với gần 800 con người quyết ở lại bảo vệ xứ đạo.
Thực thi chính sách “bắt học sinh làm con tin”, chính quyền trục xuất 153 trẻ em khỏi ngôi trường mà các em vẫn theo học và, ngày 17 tháng 3, 2014 đã đập phá luôn trường dạy giáo lý của Giáo Xứ Đông Yên để triệt hạ mọi cơ hội học hành của các em. Khi các anh chị lớn tự tổ chức lớp học tại các nhà riêng, thì họ bị chính quyền hăm doạ, truy đuổi và bắt bớ. Hậu quả là các em bị thất học từ năm 2014. Mãi đến tháng 8 năm 2016, do áp lực của nhiều giám mục, linh mục và giáo dân trong toàn Giáo Phận Vinh, các em mới được đi học trở lại.
Ngày 17 tháng 3 năm 2014, nhà cầm quyền đem cảnh sát cơ động có trang bị dùi cui, tấm chắn, xe cứu thương, cứu hoả, vòi rồng, máy xúc, máy ngoặm và chó nghiệp vụ đến đập phá nhà xứ, và trường giáo lý, tạo nên cảnh hoang tàn, đổ nát cho một xứ đạo toàn tòng với trên trăm năm lịch sử. Họ đã rào nhà thờ lại, chuẩn bị dỡ tháp chuông và đập phá nhà thờ nhưng đã phải bó tay khi giáo dân liều mình bảo vệ nhà thờ.
Vì ở sát nhà máy gang thép Formosa và sinh kế lại hoàn toàn phụ thuộc vào nghề biển, Giáo Xứ Đông Yên bị ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi tai hoạ do Formosa gây ra. Nhiều người dân trong xứ đạo có dấu hiệu suy thoái sức khoẻ trầm trọng. Toàn bộ các gia đình đều mất sinh kế. Thế nhưng việc người dân Đông Yên khởi kiện đòi Formosa bồi thường lại bị chính quyền cản chặn.
Chiến dịch “Cứu Đông Yên” đối phó tình trạng này bằng cách:
(1)   Huy động sự quan tâm của dư luận trong vùng và trên thế giới về tai hoạ môi sinh do Formosa gây ra ở Việt Nam;
(2)   Vận động sự can thiệp của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các chính quyền dân chủ, và các tổ chức nhân quyền quốc tế về sự vi phạm trầm trọng các quyền tự do tôn giáo, quyền văn hoá, quyền sinh kế và quyền môi sinh của người dân Giáo Xứ Đông Yên;
(3)   Kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế cẩn trọng trước hệ thống luật pháp tuỳ tiện của Việt Nam, được minh chứng qua việc toà án Việt Nam không cứu xét các đơn kiện Formosa;
(4)   Nghiên cứu và thực hiện các dự án sinh kế để người dân Đông Yên có thể tự tồn nhằm đeo đuổi cuộc tranh đấu trường kỳ.
Thuộc kế hoạch này, trong các ngày 4 – 7 tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã cử một giáo dân Đông Yên cùng với một đại diện của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam tham gia hội nghị về các chất thải độc hại và vấn đề bảo vệ môi sinh. Tại hội nghị này, được tổ chức ở Philippines bởi tổ chức Ban Toxics, vụ gây nhiễn độc môi sinh ở Formosa Hà Tĩnh đã được nêu lên và nhận được sự chú ý của nhiều thành phần tham dự. Báo Cáo Viện Đặc Biệt của LHQ về Nhân Quyền và các Chất Hoá Học, Ls. Baskut Tuncak, đã gặp riêng 2 người kể trên để lấy thêm thông tin và bàn việc hợp tác dài lâu.
Với kinh nghiệm tranh đấu trong chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” trước đây, Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ quyết định kết nghĩa với Giáo Xứ Đông Yên. Ông Trần Thanh Tùng, Phối Hợp Viên của hiệp hội, nói: “Trong sự cảm thông và tình đoàn kết, chúng tôi sẽ yểm trợ hết lòng và một cách dài lâu cuộc tranh đấu của các giáo dân Đông Yên trước những thử thách lớn lao hiện nay.”
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, cho biết vấn đề Đông Yên sẽ là một trọng tâm của công tác quốc tế vận năm 2017.
“Chúng tôi sẽ cần sự yểm trợ và tiếp tay của đồng hương trên thế giới để đưa chiến dịch Cứu Đông Yên đến thành công”, Ts. Thắng kêu gọi.
Các thông tin cập nhật về chiến dịch Cứu Đông Yên sẽ được đăng tải ở trang facebook: https://www.facebook.com/cuudongyen và trang mạng Mạch Sống: http://www.machsongmedia.com/
Để có thêm thông tin hay muốn tiếp tay với chiến dịch Cứu Đông Yên, xin liên lạc: bpsos@bpsos.org